Kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 (sáng 29/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát. Qua đó, tạo dư địa để giải quyết những khó khăn nội tại, thích nghi, ứng phó với các thách thức từ bên ngoài.
Trong tháng 10, Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công tốt đẹp, quyết định nhiều chủ trương, định hướng, nội dung quan trọng của Đảng và đất nước.
Cùng với đó, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được khai mạc để xem xét, cho ý kiến, quyết nghị các mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của kế hoạch năm 2023, cơ chế, chính sách, pháp luật quan trọng của nền kinh tế, được cử tri cả nước quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Về tình hình kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, điều chỉnh hài hòa tỉ giá, lãi suất ở mức hợp lý, tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Cụ thể, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Đến ngày 25/10, tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước, điều hành tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Đồng thời, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc;…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 10 tháng qua, nước ta cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức: (1) Tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19; (2) Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng; (3) Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro; (4) Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm vaccine cho trẻ em còn thấp; cao điểm dịch sốt xuất huyết, số ca mắc chân tay miệng tăng... Trong khi đó, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Bên cạnh lạm phát thì mối quan tâm đang có xu hướng chuyển dịch sang cả các lĩnh vực khác như bảo đảm an toàn tài sản, vốn đầu tư...
"Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận