Góc nhìn nghị trường: Người dân vẫn thích tích trữ vàng
Sáng 26-10, thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích, trong 3 động lực của nền kinh tế nước ta (gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng), thì động lực tiêu dùng “rất hạn chế”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tiêu dùng giảm không phải do người dân không có tiền, vì “vàng giá rất cao nhưng không có để mua”. Thời kháng chiến, do rủi ro nên người dân phải mua vàng để tích trữ. Thời bình, nếu người dân vẫn mua vàng để cất, không dám đầu tư dù chính sách đầu tư rất thông thoáng, cởi mở thì phải xem xét lại.
Đây quả là vấn đề cần phải phân tích kỹ lưỡng, bởi nguồn lực trong dân đang rất lớn. Nếu không làm bung được nguồn nội lực quan trọng này thì cả người dân và nền kinh tế đều không thu được lợi ích cao nhất. Chẳng những thế, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro rất cao khi kinh tế vĩ mô rất dễ bị tác động bởi những “cục máu đông” không thể kiểm soát ấy.
Thực tế, trên thế giới, vàng cũng là một kênh đầu tư, tích trữ quan trọng. Mỗi khi kinh tế thế giới gặp các yếu tố rủi ro, các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn và có nguy cơ thua lỗ cao, các nhà đầu tư thường chuyển sang đầu tư vào vàng để vừa phòng ngừa rủi ro, vừa tìm kiếm lợi nhuận khi giá vàng tăng. Bởi thế, giá vàng thế giới cũng luôn có xu hướng tăng về dài hạn.
Ở nước ta, ít người coi vàng là một kênh đầu tư, mà chủ yếu coi đó là một kênh tích trữ tài sản. Người dân thường chỉ bán vàng khi cần đến tiền để chữa bệnh, hoặc mua sắm tài sản lớn như nhà, đất... Điều đó dẫn tới lượng vàng cung cấp ra thị trường thường thấp hơn nhu cầu, trở thành một trong những nhân tố khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới rất nhiều.
Bên cạnh nguyên nhân do thói quen tích trữ vàng từ lâu đời, còn có nguyên nhân người dân chưa đủ niềm tin vào các kênh đầu tư khác, khi kênh đầu tư nào cũng có thể phải đối mặt với rủi ro “bong bóng giá” do đầu cơ, tích trữ, thổi giá, làm giá gây ra, kể cả ở kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán. Thực tế đã có những cá nhân bị xử lý hình sự vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản... Và thực tế cũng có rất nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm bị “sập bẫy bong bóng”, lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất.
Do vậy, nếu không trị được tận gốc nạn đầu cơ, tích trữ, thổi giá, làm giá ở các kênh đầu tư quan trọng, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán, thì rất khó để người dân bỏ thói quen tích trữ vàng.
CHIẾN THẮNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-nguoi-dan-va...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận