Đưa vải thiều, hành tím lên chợ điện tử
Nếu như trước đây muốn mua trái cây phải ra siêu thị lựa từng quả, từng hộp thì hiện nay, các mặt hàng hoa quả, trái cây đều đã xuất hiện trên mạng. Vải thiều Thanh Hà là một ví dụ tiêu biểu khi liên tục xuất hiện ở vị trí trung tâm trên nhiều sàn thương mại điện tử như Voso (VietelPost), Sendo, Lazada.
Mua vải thiều online, nhận vận chuyển miễn phí
Ngay lúc này, mặt hàng vải thiều Thanh Hà đang được mở bán trên trang chủ với vị trí ưu tiên tại sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn hướng tới thị trường tiêu dùng trong nước.
Các đơn hàng vải thiều khi đặt mua tại sàn Voso sẽ nhận ưu đãi vận chuyển toàn quốc cho tất cả các đơn hàng dưới 20 kg khi lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh. Đặc biệt, thông qua hình thức chuyển phát nhanh của Viettel Post, Voso sẽ bảo đảm vẹn nguyên về quy trình đóng gói và quá trình vận chuyển, lưu giữ tối đa hương vị tươi ngon của vải thiều Thanh Hà – đặc sản Hải Dương khi đến với khách hàng khắp 63 tỉnh, thành phố.
Tại sàn Sendo (thuộc tập đoàn FPT) cũng có thể thấy mặt hàng vải thiều Thanh Hà đang được bán với mức ưu đãi, nhiều chủng loại từ mức giá 18.000 đồng/kg cùng với 1.000 mã miễn phí vận chuyển (tối đa 30.000 đồng/đơn hàng).
Đại diện Sendo còn chia sẻ, sau hơn 4 tiếng mở bán của ngày hôm nay (24/5), đã có hơn 3 tấn vải thiều Thanh Hà được khách hàng đặt mua với mức giá khá cao. Vải u hồng loại 1 giá 405.000 đồng/15kg; vải u hồng loại 2 giá 357.000 đồng/15kg.
Đại diện Sendo cho biết, Sendo đã cắt cử nhân sự hỗ trợ bà con nông dân tìm ra giải pháp đóng gói phù hợp, hướng dẫn quy cách đóng gói, tỷ lệ ướp đá trên số vải trong mỗi thùng vừa đúng để vừa giữ độ tươi ngon cho quả vừa tiết kiệm chi phí.
Còn trên Lazada, đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử, cũng đã phân phối vải thiều Thanh Hà từ ngày 14/5 vừa qua. Lazada thực hiện hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM để bảo đảm tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.
Mới đây, ngày 15/5, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông báo về việc 30 tấn hành tím Vĩnh Châu 3 sao OCOP đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đã được tiêu thụ trong vòng 10 ngày thông qua thương mại điện tử và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. Đây là chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với sàn thương mại điện tử Voso.vn (Vỏ sò), Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Theo báo cáo từ sàn thương mại điện tử Voso.vn, trung bình mỗi ngày, có đến 3-5 tấn hành tím được bán trên Voso. Hiện tại, hành tím Sóc Trăng vẫn đang được phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính sau khi kết thúc chương trình vào cuối tháng 5/2021 sẽ có khả năng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Có thể thấy, “giải cứu” nông sản từ lâu đã không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã thực sự trở thành một kênh phân phối hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt tiêu thụ sản phẩm.
Thay đổi thói quen mua sắm
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, sự vào cuộc nhanh chóng và chuyên nghiệp từ các sàn thương mại điện tử trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào mùa hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là thiết thực với bà con nông dân.
“Để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử vẫn bảo đảm độ tươi, ngon của trái cây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh… Việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, năm nay sản phẩm vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang đều đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn. Để tăng khả năng tiêu thụ, cũng như hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, các đơn vị của Bộ Công Thương đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại như Sendo, Voso, Postmart, Lazada... và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều.
Đồng hành với doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương, sản phẩm địa phương, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo mà Bộ Công Thương đang triển khai, đồng thời cũng là một trong những chương trình quan trọng của “Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nhất định hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, người nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia.
Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD. Bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận