Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc cuối năm
Những tháng cuối năm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc, nỗ lực lấp đầy đơn hàng.
8 tháng của năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 4 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 250 tỷ USD. Đây là kết quả rất tích cực của hoạt động ngoại thương Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới song từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm.
Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang dần chậm lại. 8 tháng năm nay, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt hơn 30 tỷ USD, nhập khẩu đạt 17 tỷ 500 triệu USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu hơn 12 tỷ USD. Dự báo những tháng cuối năm, ngành dệt may chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Một số nước vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, châu Âu… khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể.
Cũng theo ông Giang: "Tháng cuối năm nay, đứng trước những thách thức của thị trường, sức mua toàn cầu giảm thì yếu tố tác động lớn nhất là liên quan đến vấn đề giá thành. Chi phí đầu vào tăng cho nên các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra mục tiêu năm nay có thể là hòa vốn nhưng phải giữ được ổn định và phát triển của doanh nghiệp để giữ người lao động và giữ được thị trường, giữ được khách hàng, đấy là mục tiêu số một.
Thứ hai là doanh nghiệp cũng bắt đầu thắt hầu bao, kiểm soát mọi khoản chi phí đầu vào để hạn chế tối đa tăng chi phí tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất, mục tiêu số ba, làm sao đó vẫn có một phần lợi nhuận để lo lương thưởng tháng 13 cho người lao động. Có như vậy, chúng ta mới kỳ vọng cho sự ổn định của mục tiêu 2023 đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam".
Một ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là da giày cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung nguyên phụ liệu, nguồn lao động bị thiếu, đơn hàng chững lại.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, đến thời điểm này, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ngành da giày tận dụng tốt nhưng những tháng cuối năm, ngành đối mặt với nhiều rủi ro như lạm phát tại các thị trường xuất khẩu đang tăng cao khiến sức mua suy giảm, gia tăng lượng hàng tồn kho.
"Chúng tôi cố gắng đạt kế hoạch xuất khẩu khoảng 23 - 25 tỷ USD, tuy nhiên, để cạnh tranh trong thời gian sắp tới, cần phải nâng cao giá trị cao hơn. Vậy thì muốn sản xuất những mặt hàng giá trị cao hơn thì chúng ta cần những nguồn nguyên liệu có giá trị cao từ các nước.
Với các thế mạnh của Hiệp định FTA thì chúng tôi mong muốn tận dụng tốt được các cơ hội nhập khẩu từ các thị trường này, đặc biệt là thị trường EU có nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao để chúng ta có thể sản xuất mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đều phải hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng những công nghệ xanh sạch thì cần phải khai thác được tiềm năng của các thị trường này để phục vụ đổi mới công nghệ" - bà Xuân chia sẻ.
Theo các chuyên gia, hiện nay, thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương xác định những tháng cuối năm tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Theo Thứ trưởng: "Những mặt hàng có kim ngạch lớn như nông sản, dệt may, giày dép đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Hiện nay, những mặt hàng đó đều phụ thuộc vào yêu cầu của thị trường, trước tình trạng nhu cầu đang giảm sút cho một số thị trường thì nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng làm sao khai thác đầy đủ tất cả các thị trường đồng thời giải tỏa các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp. Làm được tất cả thì hy vọng là chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm".
Để hoàn thành kế hoạch năm cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)… Các đơn vị chức năng của Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận