Cộng đồng mạng kêu gọi giải cứu nông sản Hải Dương bị dồn ứ do dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khiến Hải Dương phải phong tỏa toàn tỉnh. Các mặt hàng nông sản cũng vì thế không tìm được đầu ra, lượng tồn lên tới hàng chục nghìn tấn.
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài được khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, xu hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.
Trước tình hình này, một số người đã đứng ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ, gom các đơn và chuyển đến Hà Nội. Giá nông sản được bán ra rất rẻ khiến ai cũng cảm thấy có đôi chút ngậm ngùi, thương người nông dân trong hoàn cảnh hiện tại. Ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10kg, su hào 40.000 đồng/20 cái, bắp cải 35.000 đồng/10kg, cà rốt 70.000 đồng/10kg hay cà chua 10kg cũng chỉ có giá 50.000 đồng.
Chị Hà Phúc Anh, đại diện một nhóm gom nông sản giải cứu ở Hà Nội chia sẻ, xuất phát từ tình cảm, sự xót xa với bà con nông dân nên chị cùng nhóm bạn tối muộn ngày 18/2 đã đăng bài kêu gọi giải cứu nông sản Hải Dương. Ngay sau đó, bài viết được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng mạng, một lượng lớn người share (chia sẻ) bài và ủng hộ đặt hàng qua cả facebook, tin nhắn điện thoại...
“Ban đầu mình chỉ định làm nhỏ lẻ, giúp được bà con chừng nào thì tốt chừng đó nhưng không nghĩ được sự lan tỏa lại lớn đến vậy. Đến giờ số lượng đặt hàng đã hơn cả mong đợi nên nhóm mình tạm dừng lại để làm cho tốt chứ nếu cứ tiếp tục nhận sẽ rất nguy hiểm. Trả hàng xong sẽ tiếp tục triển khai đợt tiếp”, chị Phúc Anh chia sẻ.
Sau 17 tiếng mở gom đơn giải cứu nông sản, đến 15h chiều 19/2, nhóm của chị Phúc Anh đã tạm thời dừng nhận đợt một, tập trung thống kê đơn để đầu cầu Hải Dương chuyển hàng lên các điểm tập kết ở Hà Nội. Chị Phúc Anh cho biết, sau khi hàng được chuyển lên sẽ chuyển hàng cho các shipper về tận tay người mua hoặc các đầu mối gom ở các cơ quan, khu chung cư, tránh tập trung đông người, làm lây lan dịch bệnh.
“Nhóm mình đã tận dụng tất cả các mối quan hệ có thể hỗ trợ để làm, như xin xe chở hàng miễn phí. Thứ 3 hàng sẽ lên. Chúng tôi đang tính phương án xe phải đi buổi đêm để hạn chế tiếp xúc đông người. Hàng hóa, xe chở hàng sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục khử khuẩn theo đúng quy trình của y tế. Mình sẽ tham vấn của bên y tế để có cách thức làm tốt nhất”, chị Phúc Anh cho hay.
Tương tự nhóm của chị Phúc Anh, mấy ngày nay, bạn bè ở Hải Dương của chị Hiền (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng liên tục đăng bài bán rau, quả với giá chỉ vài nghìn đồng một kg.
"Tôi vừa kêu gọi hàng xóm ở khu chung cư cùng mua để tiện 1 công ship hàng. Mới đăng cũng có một số nhà ủng hộ, người mua ít thì 5-10kg, người mua nhiều thì 20-30kg. Cũng chưa biết có bán được nhiều hay không, nhưng lúc này mỗi người 1 tay, thêm được chút nào hay chút đó, giúp tiêu thụ nhanh được nông sản cho bà con gặp khó vì dịch”, chị Hiền nói.
Tương tự, vừa đặt mua 10 kg su hào, 10 kg ổi với giá 90.000 đồng, chị Lan Anh (ở Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh đã khổ, giờ kinh tế cũng lại bị thiệt hại nặng nề. Mình mua được nông sản với giá rẻ nhưng không cảm thấy vui mừng mà thấy rất thương bà con nông dân Hải Dương ở hoàn cảnh hiện tại", chị Lan Anh bộc bạch.
Trước tình hình nông sản tiêu thụ tại Hải Dương gặp khó khăn, một số doanh nghiệp thương mại, phân phối đã tham gia "giải cứu". Theo đó, Công ty Central Group và hệ thống BigC đã tích cực thu mua, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân để phân phối trong hệ thống bán lẻ.
Hệ thống MM Mega Market cũng có đề nghị phối hợp với Hải Dương trong việc phối hợp với các hộ sản xuất, kinh doanh và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để thu mua, vận chuyển đưa mặt hàng nông sản từ tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác nhằm "giải cứu" lượng nông sản tồn tại trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, dù chưa thể giải quyết toàn bộ lượng lớn nông sản ở Hải Dương nhưng sự tham gia giải cứu nông sản của các doanh nghiệp, cá nhân cũng được coi là một điểm sáng trong việc giải cứu nông sản Hải Dương trong thời gian khó khăn này./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận