Chống rửa tiền bằng “siết” mua nhà từ 300 triệu đồng có khả thi?
Bộ Xây dựng vừa đưa ra quy định mua nhà từ 300 triệu đồng tiền mặt phải báo cáo để chống "rửa tiền", theo các chuyên gia kiểm soát việc này rất khó.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật, phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên.
Theo nhiều chuyên gia, không thể phủ nhận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn, việc Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền mang tính tích cực cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các nhà môi giới trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải học và thi sát hạch, đảm bảo đủ kiến thức về lĩnh vực này.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có chế tài đối với hoạt động của những người làm môi giới, dịch vụ nếu không tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có quy định chống rửa tiền. Song, theo ông Đính, việc thực hiện của doanh nghiệp như thế nào thì lại là chuyện khác.
Mặt khác, để phát hiện ra hành vi rửa tiền trong các giao dịch bất động sản cũng không hề đơn giản, bởi các giao dịch mua bán ở Việt Nam vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, chưa bắt buộc giao dịch phải thông qua ngân hàng.
Cũng góc nhìn trên, TS. Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc quản lý các giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng là nhằm phòng chống rửa tiền, nếu cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm thì sẽ làm được. Đây là nhu cầu tất yếu mà hiện nay chúng ta đã buông lỏng.
“Chúng ta đừng quá nhấn mạnh về việc làm khó cho thị trường bất động sản hay giao dịch về nhà ở. Còn vấn đề nó có khả thi hay không thì phụ thuộc vào chế độ báo cáo của các doanh nghiệp và các sàn giao dịch bất động sản”, ông Ánh nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của dư luận về giao dịch nhà ở xã hội từ 300 triệu đồng trở lên cũng phải báo cáo, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng nếu có giao dịch thì vẫn có thể báo cáo bình thường.
Vấn đề ở đây không chỉ quản lý giao dịch bất động sản mà còn quản lý giao dịch tiền, bởi nhà ở xã hội cũng là một thành tố của thị trường bất động sản, điều này hoàn toàn có lợi cho thị trường bất động sản.
Để quản lý được hoạt động giao dịch này, theo TS. Ánh, khi ban hành, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin, đồng thời làm rõ nguyên nhân tại sao các đơn vị không thực hiện, mức độ nghiêm túc như thế nào.
“Bộ Xây dựng thay vì phải có hệ thống thông tin nắm tình hình thị trường bất động sản thì có thể qua hoạt động báo cáo giao dịch từ 300 triệu đồng này để thu thập thông tin về thị trường bất động sản một cách chính xác hơn”, TS. Ánh nêu ý kiến./.
Ngọc Vy/VTC News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận