Chỉ số kinh tế tháng 4 nhiều tín hiệu tích cực
Doanh nghiệp đăng kí thành lập mới tăng, chỉ số giá tiêu dùng giảm, hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất cùng kì 10 năm qua…
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn so với cùng kỳ trước; chỉ số giá tiêu dùng giảm; hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất cùng kỳ 10 năm qua; chỉ số gia nguyên-nhiên-vật liệu tăng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng cao nhất giai đoạn đoạn 2017-2021…Những thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ kế hoạch và đầu tư khẳng định trong “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm”.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nhiệm kỳ mới tăng lên rõ rệt, đặc biệt sau thành công thực hiện “mục tiêu kép” khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng Tư tăng cả về số lượng - với 14,9 nghìn doanh nghiệp, tăng cả số vốn đăng ký - bình quân khoảng 12,1 tỷ đồng và tăng ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, còn có gần 19,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Đáng chú ý, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ ngân sách: cả tháng 4 ước đạt 6,6% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt mức cao nhất giai đoạn 2017-2021, tương đương 98,7 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 5,5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tương đương 142,8 triệu USD
Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, tính chung 4 tháng tương đương 103,9 tỷ USD, tập trung các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 27 tỷ USD; Tính chung 4 tháng tương đương 102,61 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Tính chung, hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng qua đạt tốc độ tăng cao nhất giai đoạn 10 năm qua.
Giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm 0,04% so với tháng trước. Bình quân 4 tháng, CPI tăng 0,89% -là mức tăng thấp nhất 5 năm qua. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương phía Bắc tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân; các địa phương phía Nam tập trung thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, chăn nuôi lợn trên đà hồi phục. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông-lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng cao - 24,1% so với cùng kỳ trước do dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng thời các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận