Buôn lậu tinh vi từ đường hàng không sang đường bưu chính
Nhiều đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền...
Thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nhanh trong thời gian qua đã giúp cho việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng, thuận tiện. Tuy vậy, sự bùng nổ của TMĐT cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, nhất là khi nhiều đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền...
Đơn cử trong tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra xe ô tô đang vận chuyển hàng hóa từ Bưu cục Viettel Tân Thanh, huyện Văn Lãng đi huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe đang vận chuyển 10 loại hàng hóa có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam chưa rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết quả đã xác định hộ kinh doanh Chương Thị Hương ở số 188A, đường Trục Chính, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã mua gom hàng hóa nhập lậu, lập hóa đơn xuất bán cho người mua hàng, sau đó gửi hàng qua Bưu cục Viettel Tân Thanh về huyện Bắc Sơn. Đối tượng vi phạm đã bị thu giữ số hàng hóa buôn lậu đồng thời phải nộp lai số tiền buôn lậu bất hợp pháp.
Vào tháng 7 năm nay, lực lượng QLTT cũng phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác. Toàn bộ số hàng này đã được gói và tập kết tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chuẩn bị chuyển phát.
Cách đây không lâu, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai cũng phát hiện kho hàng lậu 10.000 m2 tại Lào Cai, khi các đối tượng cũng đã sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc đưa đến các đại lý bằng đường chuyển phát nhanh…
Có thể thấy, các đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc đã và đang tận dụng triệt để môi trường TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; công khai gian lận thương mại qua mặt cơ quan chức năng làm hại người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống mà còn đang “lấn sân” mạnh mẽ sang sàn TMĐT. “Vấn nạn này lâu nay vẫn luôn là nỗi nhức nhối của xã hội, nó khiến người tiêu dùng mất niềm tin, và gián tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Phú chỉ rõ.
Mức phạt cao với các tình tiết tăng nặng
Theo Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh, các đối tượng xấu đã biết tận dụng môi trường TMĐT, lợi dụng TMĐT để bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền.
“Trước đây các sàn TMĐT rất cần các chính sách mở để thu hút người bán, nhưng giờ đây khi lượng người tham gia rất lớn nên vai trò kiểm tra, kiểm soát thị trường lại nổi bật lên. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật...”, ông Minh nói.
Mới đây, Nghị định 98 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được ban hành.
Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Các trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
Theo đó, kể từ ngày 15/10/2020, khi Nghị định có hiệu lực, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức… Các hành vi vi phạm trên sàn TMĐT cũng sẽ bị xử lý mạnh tay.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý TMĐT (Bộ Công Thương), nếu các gian hàng không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng.
Khi phát hiện ra hành vi vi phạm mà các sàn không có biện pháp thì có chế tài, chẳng hạn phạt tiền 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi đã nhận được phản ánh mà không xử lý. Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền…/.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận