Nghiên cứu khoa học cần tránh “bệnh” hành chính hóa
Những hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là tình trạng hành chính hóa. Hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ đang từng ngày, từng giờ thủ tiêu tính năng động, sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của các nhà khoa học, đồng thời làm nảy sinh nhiều tiêu cực khiến khoa học, công nghệ không thể có bước đột phá.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 13-1 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo Tổng Bí thư, hiện nay các nhà khoa học đang mất quá nhiều thời gian, công sức dành cho việc hoàn thiện thủ tục, giấy tờ; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, nhiều đề tài không đo đếm được kết quả, không thương mại hóa được sản phẩm; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; nhiều trường hợp triển khai nghiên cứu đề tài khoa học để “làm kinh tế biến tướng”...
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, những bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là “bệnh” hành chính hóa công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, công nghệ đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Biểu hiện của “bệnh” hành chính hóa đối với các cơ quan quản lý khoa học, công nghệ là quản lý một cách cứng nhắc bằng hàng loạt các biện pháp, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều khi chồng chéo, thiếu thực tế, vô lý, gây khó cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ-lĩnh vực vốn có tính đặc thù cao, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo, môi trường làm việc khoa học, dân chủ.
Với cán bộ nghiên cứu, đó là tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nghiên cứu khoa học chỉ với mục đích “hoàn thành nhiệm vụ được giao” hoặc để có thêm thu nhập mà thiếu sự tâm huyết, quyết tâm, lăn lộn trong thực tiễn với khát vọng nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị để đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Những “nhà khoa học” này chủ yếu chỉ làm việc trong “giờ hành chính”, mong sao mỗi năm “xin” được một vài đề tài khoa học làng nhàng, thậm chí vô bổ rồi “nghiên cứu” lấy lệ để “giải ngân”, không hề quan tâm đến tính khả thi, cấp thiết của đề tài, những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống…
Hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ tất yếu dẫn tới cơ chế xin-cho đề tài, kinh phí; những biểu hiện tiêu cực như vi phạm liêm chính khoa học, bớt xén, “lại quả” khiến khoản kinh phí thực sự đổ vào nghiên cứu khoa học chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kinh phí được phê duyệt. Cùng với đó là tình trạng không ít đề tài nghiên cứu không có giá trị về mặt thực tiễn, khoa học, không thể ứng dụng, càng không thể có tính đột phá, làm xong chỉ để cất trong tủ…
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để nước ta phát triển, hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng. Nhưng muốn khoa học, công nghệ phát huy vai trò động lực của sự phát triển thì phải làm sao để lĩnh vực này hoạt động thực sự hiệu quả-như một cỗ máy vận hành trơn tru, không bị cản trở bởi những lực cản từ bên ngoài. Muốn làm được điều này cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc phải xóa bỏ “căn bệnh” hành chính hóa.
Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục không cần thiết để vừa quản lý tốt, vừa kiến tạo môi trường, cơ chế làm việc thông thoáng, lành mạnh cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ.
Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng rộng rãi cơ chế đặt hàng, đấu thầu các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ, thay vì cơ chế giao kinh phí thường xuyên. Đây được đánh giá là giải pháp phù hợp nhằm gắn nội dung nghiên cứu với yêu cầu thực tiễn, tăng tính cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, đồng thời “giải phóng” được nhiều quy trình, thủ tục rườm rà cho các nhà khoa học, nhất là các quy định về thanh toán tài chính.
Cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu đó là trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, lòng yêu nghề, đạo đức cùng tính liêm chính khoa học của mỗi cán bộ làm khoa học. Xét đến cùng, đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để có thể tháo gỡ những bất cập, tồn tại, hạn chế, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ lên tầm cao mới.
TRUNG HIẾU
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nghien-cuu-khoa-hoc-can...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận