Mỗi lớp học trong Trường giáo dục chuyên biệt không quá 12 học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật. Theo đó, mỗi lớp học trong trường dành cho người khuyết tật (Trường giáo dục chuyên biệt) không quá 12 học sinh.
Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật, bao gồm: quy định chung; tổ chức bộ máy, nhân sự, hoạt động giáo dục; tài chính và tài sản; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.
Quy chế áp dụng đối với trường, lớp dành cho người khuyết tật (trong Quy chế này gọi là Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt) và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật cần các yêu cầu giáo dục đặc biệt
Thông tư nêu rõ, Trường giáo dục chuyên biệt là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, dành cho đối tượng học sinh khuyết tật cần các yêu cầu giáo dục đặc biệt theo phương thức giáo dục chuyên biệt với mục tiêu bảo đảm quyền được tham gia giáo dục, mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời đối với học sinh khuyết tật.
Trường giáo dục chuyên biệt có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Trường giáo dục chuyên biệt bao gồm hai loại hình: công lập và tư thục.
Trường giáo dục chuyên biệt công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. Trường giáo dục chuyên biệt tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Lớp giáo dục chuyên biệt là lớp học của học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt được tổ chức cùng với các lớp học sinh khác trong trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là trường có Lớp giáo dục chuyên biệt).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trường giáo dục chuyên biệt
Trường giáo dục chuyên biệt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định đối với cơ sở giáo dục cùng cấp học, loại hình; các quy định tại Quy chế này; ngoài ra thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác như sau:
Xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phối hợp tổ chức hoạt động can thiệp về y tế, phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật.
Thực hiện nhiệm vụ về giáo dục học sinh khuyết tật: can thiệp giáo dục sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập khi được cấp có thẩm quyền giao. Các hoạt động này thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cơ quan có thẩm quyền khi giao nhiệm vụ cần bảo đảm các điều kiện để Trường giáo dục chuyên biệt triển khai.
Được hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo quy định.
Được tiếp nhận khoản viện trợ phục vụ công tác giáo dục học sinh khuyết tật theo quy định.
Được tổ chức bán trú, nội trú phục vụ học sinh khuyết tật nếu đủ điều kiện.
Cơ cấu tổ chức của Trường giáo dục chuyên biệt bao gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; viên chức và lao động hợp đồng; tổ chuyên môn, tổ Văn phòng; Hội đồng trường và các hội đồng khác; tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội; học sinh; lớp học.
Học sinh được hưởng chính sách ưu đãi với người khuyết tật
Học sinh khuyết tật Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt là học sinh chưa thể tham gia giáo dục hòa nhập hiệu quả do cần những yêu cầu đặc biệt trong việc tổ chức dạy và học.
Học sinh Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt được tuyển sinh theo kế hoạch hằng năm do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Học sinh khuyết tật trong Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt có nhiệm vụ và quyền theo quy định nhiệm vụ, quyền hạn tại điều lệ trường cùng cấp học hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của trường cùng loại hình hoặc theo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Học sinh Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người khuyết tật theo quy định.
Việc sắp xếp lớp học cho học sinh khuyết tật trong Trường giáo dục chuyên biệt căn cứ vào tuổi, nhu cầu học tập, năng lực học tập của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Mỗi lớp học trong Trường giáo dục chuyên biệt, mỗi Lớp giáo dục chuyên biệt không quá 12 học sinh.
Học sinh khuyết tật được học phù hợp với khả năng và nhu cầu. Trên cơ sở thực hiện nội dung môn học hoạt động giáo dục quy định tại chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông, nhà trường có thể điều chỉnh phù hợp với khả năng học sinh.
Nội dung giáo dục kỹ năng đặc thù được nhà trường tổ chức xây dựng và bảo đảm ít nhất 5 tiết (hoạt động học)/tuần phù hợp với nhu cầu, khả năng của cá nhân.
Hằng năm, Trường giáo dục chuyên biệt xây dựng kế hoạch tuyển sinh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện công khai kế hoạch tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo quy định. Thực hiện công tác tuyển sinh đảm bảo minh bạch, công bằng, khách quan theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Khánh Linh
Theo https://baochinhphu.vn/moi-lop-hoc-trong-truong-giao-duc-chuyen-biet-kho...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận