Mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy
Trong năm 2022, Bộ GDĐT sẽ rà soát, điều chỉnh các Thông tư về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo các hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang dạy.
Chia sẻ về định hướng đổi mới trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức” sáng 28/3, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời… Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình SGK mới. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục
Để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Nói về những định hướng đổi mới trong công tác bồi dưỡng thường xuyên phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên.
“Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên, cụ thể, trong năm 2022, Bộ tiến hành sửa đổi Thông tư số 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó quy định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên và giao thẩm quyền cho địa phương công nhận kết quả bồi dưỡng hằng năm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Trong năm 2022, Bộ cũng rà soát, điều chỉnh các Thông tư về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo các hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ sẽ tiến hành rà soát sửa đổi các Thông tư ban hành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học, rà soát các mô đun bồi dưỡng thường xuyên đã được ban hành để tránh chồng chéo, cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, phù hợp với đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình GDPT trong giai đoạn tới”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng rà soát, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo định hướng nhận diện được thực trạng năng lực của đội ngũ, phát hiện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục quán triệt hoạt động bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp. Việc thực hiện nghiêm túc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng hằng năm sẽ giúp giáo viên nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân làm căn cứ để cá nhân đề xuất các nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.
Việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng phải bám sát vào nhiệm vụ, chức trách của giáo viên được quy định trong các điều lệ nhà trường các cấp học. Đặc biệt, phải xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo giáo viên từ thực tiễn và yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục ở địa phương theo nhiệm vụ năm học hàng năm có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp để xác định rõ năng lực còn thiếu, còn yếu của giáo viên từ đó xác định nội dung bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng phù hợp, chú ý lựa chọn những nội dung, chuyên đề gắn với định hướng đổi mới chương trình, SGK và phù hợp với đặc thù của từng môn học, cấp học trên tinh thần chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của các vụ bậc học, các nội dung triển khai của các chương trình, dự án. Cần chủ động xây dựng kế hoạch, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nội dung thật tốt góp phần phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ. Cần phát huy tối đa việc khảo sát, lấy ý kiến giáo viên về nhu cầu bồi dưỡng qua hệ thống TEMIS để nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp, bồi dưỡng cái mà đội ngũ cần chứ không áp đặt nội dung bồi dưỡng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận