Giáo viên biến thách thức thành cơ hội thế nào trong bối cảnh bùng nổ AI?
GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, bất kỳ một công nghệ nào ra đời cũng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho con người. Vì thế, nên tiếp cận công nghệ mới với thái độ rất tích cực để khai thác cả điểm lợi, điểm mạnh của nó từ đó làm tốt hơn công việc của mình.
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của chatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với ngành giáo dục, ứng dụng này được cho là sẽ tác động toàn diện đến mọi mặt, trong đó đem lại những cơ hội cũng như thách thức với đội ngũ giáo viên.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với VOV.VN về những tác động của ChatGPT tới ngành giáo dục, đặc biệt là công tác giảng dạy của giáo viên.
PV: ChatGPT ngay khi vừa xuất hiện đã tạo ra những "cơn sốt", với ngành giáo dục, ứng dụng này sẽ mang lại những lợi ích cũng như thách thức gì, đặc biệt sẽ tác động ra sao tới việc giảng dạy, đánh giá học sinh của giáo viên không, thưa GS?
Với đội ngũ giáo viên, nếu biết cách khai thác tốt những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ChatGPT sẽ giúp công việc hiệu quả hơn rất nhiều. Đơn cử như công cụ này có thể giúp thầy cô soạn bài nhanh hơn. Tôi đã dùng ChatGPT để thử soạn giáo án, trong thời gian ngắn nhưng ứng dụng này đã có thể làm được những nội dung rất tốt.
Đương nhiên bên cạnh những điểm tích cực, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo như AI cũng đem lại những khó khăn nhất định cho thầy cô khi phải tiếp cận, cập nhật và học những công nghệ mới, nhất là những giáo viên lớn tuổi. Thậm chí với những phần mềm như ChatGPT, học sinh cũng có thể tổng hợp kiến thức nhanh hơn, giải quyết các bài tập thầy cô giao một cách dễ dàng hơn. Khi đó, giáo viên sẽ phải đứng trước thách thức thay đổi cách dạy, cách đánh giá học sinh. Tuy nhiên, với ChatGPT, tôi nhìn thấy nhiều điểm tích cực hơn là thách thức.
Cũng cần nói thêm rằng, để giáo viên có thể làm tốt, rất cần có sự hỗ trợ, các cuộc tập huấn để thầy cô hiểu hơn về trí tuệ nhân tạo cũng như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần giúp thầy cô tích hợp trí tuệ nhân tạo vào phương pháp giảng dạy, nếu chúng ta chuẩn bị tốt, chắc chắn trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục.
PV: Hiện nay giáo viên cũng đang phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức trong những năm đầu chuyển sang chương trình GDPT 2018, những thay đổi không ngừng của công nghệ phải chăng cũng sẽ cộng thêm thách thức cho giáo viên, thưa GS?
GS.TS Lê Anh Vinh: Rõ ràng đổi mới chương trình đều rất vất vả, tuy nhiên, các thầy cô đều nhận thấy rằng chương trình mới khuyến khích khả năng phát triển năng lực, phát triển tư duy của học trò nhiều hơn. Vì thế, niềm vui của thầy cô giáo là nhìn thấy học trò phát triển, thay đổi từng ngày. Những thay đổi trong giáo dục có thể khiến giáo viên vất vả nhưng sẽ giúp cho học sinh rất nhiều.
Chương trình GDPT 2018 chuyển từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực. Xưa nay, chúng ta tập trung quá nhiều vào kiến thức trong thời gian dài, khi triển khai chương trình mới, đâu đó vẫn gặp điểm vướng này. Một số nơi thầy cô vẫn nói dạy thế nào khi có quá nhiều bộ sách, song kiến thức trong SGK không quan trọng, quan trọng nhất là khả năng tư duy của học sinh. Một nội dung có rất nhiều phương pháp, nhiều con đường để giáo viên đạt được mục tiêu biến kiến thức thành năng lực tư duy cho người học. Khi thầy cô sử dụng công nghệ, con đường để các thầy cô đạt được mục tiêu còn nhiều hơn nữa.
Thời gian đầu có thể giáo viên cảm thấy rất vất vả vì học sinh “cái gì cũng biết”. Nhưng khi đã làm chủ được công nghệ, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bất kỳ một công nghệ nào khi mới xuất hiện, thời gian đầu "đường học tập" của nó rất dốc, chúng ta phải vượt qua con dốc đó mới có thể làm chủ và học được từ công nghệ đó. Nếu như ngại "leo dốc” thì sẽ rất khó vượt qua và chắc chắn rằng những công nghệ mới, thú vị nếu nắm bắt được sẽ càng có nhiều cơ hội.
PV: Nói về tác động của ChatGPT đến giáo dục, đã có quan điểm cho rằng, nếu các phần mềm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT được “học” nhiều hơn có thể vượt qua năng lực của người thầy, GS nghĩ sao về quan điểm này?
GS.TS Lê Anh Vinh: Để trả lời câu hỏi này, tôi quay lại câu hỏi giáo viên có cần giỏi hơn học sinh hay không? Thực ra giáo viên không nhất thiết phải giỏi hơn học sinh. Thầy cô là người hướng dẫn giúp học sinh tìm hiểu và làm chủ kiến thức. Nếu theo cách dạy học cũ, giáo viên luôn là người biết nhiều hơn học trò.
Thế nhưng ngày nay, chúng ta thấy rõ như môn tiếng Anh, nhiều giáo viên chưa chắc đã giỏi hơn học sinh. Hay trong bóng đá, huấn luyện viên không và không nên giỏi hơn cầu thủ. Trong giáo dục gia đình cũng như nhà trường, cha mẹ, thầy cô luôn mong muốn con em giỏi hơn mình.
Những công nghệ mới sẽ giúp thầy cô giáo giảng dạy tốt hơn, không tập trung truyền tải quá nhiều kiến thức, thay vào đó sẽ tập trung vào những kỹ năng mà học sinh còn thiếu như tư duy logic, khả năng đặt vấn đề, kỹ năng chuyển đổi, thầy cô tập trung nhiều hơn vào phát triển năng lực cho học sinh, đây là điều mà những phần mềm khó có thể làm được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận