Đừng để “Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Nhiều nhà giáo sống bằng đồng lương, những sinh viên nghèo cố gắng học hành trông đợi vào học bổng trong khi những người làm tài chính lợi dụng khoản tiền đó để kiếm lợi bất chính.
Mới đây, dư luận lại được phen xôn xao về việc kế toán trưởng và thủ quỹ trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thông đồng chiếm dụng 86 tỷ đồng từ tài khoản của nhà trường.
Ngày 3/2/2023, thấy có hiện tượng chậm trả tiền lương cho cán bộ viên chức và tiền học bổng cho sinh viên, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có sai phạm tài chính tại trường. Nhà trường đã kịp thời báo cáo ĐH Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng chỉ đạo trường ĐH Bách khoa liên hệ ngay với Công an thành phố Đà Nẵng để thông báo sự việc. Đồng thời chỉ đạo nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra làm rõ sự việc. ĐH Đà Nẵng cũng đã chủ động báo cáo sự việc đến cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.
Ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính) và bà Lâm Thị Hồng Tâm (thủ quỹ) của trường ĐH Bách khoa. Hai đối tượng bị cáo buộc thông đồng rút hơn 86 tỷ đồng từ tài khoản của nhà trường.
Dù người phạm tội đã bị công an bắt và sẽ phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình trước pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra không chỉ với trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng khác là công tác kiểm soát tài chính ở các cơ sở giáo dục đã thật sự chặt chẽ hay chưa? Bởi trên thực tế, việc chậm lương, phụ cấp của giáo viên, chậm học bổng của sinh viên không phải là sự “bất thường” mà đã trở thành “chuyện thường kỳ” ở rất rất nhiều cơ sở giáo dục. Sự chậm trễ này có 2 nguyên nhân: khách quan là do ngân sách chưa cấp kịp, do sự ách tắc của hệ thống sổ sách chứng từ nhưng có cả nguyên nhân chủ quan là do bộ phận tài chính của nhà trường cố tình chi trả chậm.
Nguyên nhân khách quan thì có thể dễ chấp nhận, còn nguyên nhân chủ quan thì lợi ích sẽ thuộc về ai khi mà số tiền cả trăm tỷ đồng được những người có chuyên môn, nghiệp vụ “làm xiếc” để kiếm lời? Số tiền càng lớn thì lợi nhuận, khả năng sinh lời càng cao dù chỉ là gửi ngân hàng kiếm lãi hay đầu tư “chớp nhoáng” vào các phi vụ làm ăn này khác.
Trong mỗi cơ sở giáo dục Đại học, ngoài tiền lương, tiền học bổng còn có rất nhiều nguồn tiền từ việc cho thuê cơ sở vật chất, đến tiền tài trợ, tiền các dự án hợp tác, các đề tài nghiên cứu khoa học… Người giáo viên chỉ biết chăm lo việc dạy học, nghiên cứu, còn các vấn đề tài chính thì “trăm sự nhờ phòng kế toán tài vụ”. Nếu linh hoạt, biết điều thì mọi việc trôi chảy, quyết toán nhanh gọn, còn không thì sự ùn tắc, chậm trễ là việc đương nhiên. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ký kết, bên A thông báo đã chuyển tiền nhưng bên thực hiện (bên B) vẫn cứ “dài cổ” đợi vì “kế toán bảo tiền chưa về”!
Việc kế toán, thủ quỹ lợi dụng quỹ công để đầu cơ, trục lợi không phải là hiện tượng hy hữu mà từng xảy ra ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp. May mắn việc đầu cơ thuận lợi, đúng “thời hạn” thì việc không bại lộ, chả ai biết đấy là đâu. Rủi mà việc “đầu cơ” không suôn sẻ, chậm trễ, bản thân không huy động kịp vốn liếng đập vào thì lộ tẩy. Và sự việc xảy ra ở trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là một ví dụ.
Nhiều nhà giáo nuôi gia đình bằng đồng lương, những sinh viên nghèo cố gắng học hành rất trông đợi vào học bổng. Sự chậm trễ đồng lương bổng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ trong khi những người làm tài chính lợi dụng khoản tiền đó để kiếm lợi bất chính, thật khó chấp nhận.
Từ vụ việc cán bộ kế toán, thủ quỹ ở trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) biển thủ, rút ruột quỹ lương, quỹ học bổng của giáo viên, sinh viên thiết nghĩ, mỗi trường ĐH đều nên thiết lập hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ luồng tiền vào, luồng tiền ra trong tài khoản, ngân quỹ của nhà trường một cách thường xuyên. Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên, nhà khoa học cũng nên “cảnh giác” để tránh rơi vào tình cảnh bị “lợi dụng” khi đề tài khoa học đã được cấp kinh phí mà tiền “mãi chưa về”.
Việc cơ chế giám sát chặt chẽ được thiết lập và việc kiểm tra được thường xuyên chắc chắn sẽ giúp tránh khỏi tình thế “Cháy nhà mới ra mặt chuột”./.
Hà Linh/VOV2
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận