Chuyên gia dự báo điểm chuẩn, "bật mí" chiến thuật đăng ký NV xét tuyển đại học
Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ cần chọn ngành, không cần lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển như những năm trước. Thí sinh lưu ý cần kê khai toàn bộ những căn cứ xét tuyển đang có như chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ... để phần mềm sẽ tự động đối chiếu, lựa chọn cho thí sinh phương thức xét tuyển tối ưu nhất.
Ngày 18/7, Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo lịch của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ được đăng ký, thay đổi nguyện vọng không giới hạn số lần đến ngày 30/7.
Dự báo về mức điểm chuẩn đại học năm 2023, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Phụ trách đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy điểm giỏi của các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử giảm so với năm 2022. Trong khi đó các môn Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm giỏi lại có xu hướng tăng nhẹ so với năm trước. Như vậy nhìn chung phổ điểm các môn cơ bản ổn định như năm 2022. Song tùy từng ngành học, cơ sở giáo dục đại học mà điểm chuẩn có thể thay đổi đôi chút so với điểm chuẩn năm 2022.
“Dự báo các tổ hợp có sử dụng các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử điểm chuẩn có thể giảm nhẹ. Các tổ hợp sử dụng các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm chuẩn có thể tăng đôi chút. Tuy nhiên đây chỉ là dự báo ban đầu, điểm chuẩn các ngành, các trường còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Những ngành có số lượng thí sinh đăng ký lớn chắc chắn điểm chuẩn sẽ thay đổi, các ngành có ít thí sinh đăng ký điểm chuẩn sẽ giảm”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
“Trước tiên các em cần xác định rõ ngành học yêu thích, phù hợp muốn theo đuổi, tiếp đó lựa chọn các trường có đào tạo ngành học này. Thí sinh cũng cần đối chiếu tiêu chuẩn tuyển sinh của trường có phù hợp với năng lực bản thân hay không. Trong đề án tuyển sinh các trường có điểm trúng tuyển các năm trước, thí sinh có thể lấy đó làm căn cứ tham khảo. Tiếp theo các em cũng cần tìm hiểu phương thức, tổ hợp xét tuyển của từng ngành. Điều này đòi hỏi thí sinh có thời gian dài chuẩn bị để biết bản thân mình có phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của từng trường hay không”, Ths Nguyễn Văn Linh cho biết.
Ths Nguyễn Văn Linh cũng lưu ý, năm 2023, Bộ GD-ĐT điều chỉnh một số điểm trong quy chế tuyển sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Theo đó, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường đại học chỉ cần chọn ngành, không cần lựa chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển như những năm trước. Đơn cử như với ĐH Thủ đô Hà Nội, thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào ngành Văn Hóa học, chỉ cần lựa chọn nguyện vọng này ở vị trí thứ mấy trên hệ thống đăng ký của Bộ GD-ĐT, không cần lựa chọn tổ hợp cụ thể D01 hay C00…
Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý, khi đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh quốc gia, trên phần mềm sẽ có mục chọn căn cứ xét tuyển. Tức phần mềm của Bộ GD-ĐT sẽ có nhiệm vụ tính cho thí sinh những phương án tối ưu nhất để tỷ lệ trúng tuyển là cao nhất. Để hệ thống có thể thực hiện được điều này, thí sinh cần kê khai toàn bộ những căn cứ xét tuyển đang có như chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực… Lúc này, phần mềm sẽ tự động đối chiếu với tổ hợp, phương thức xét tuyển của từng ngành mà thí sinh đã đăng ký để lựa chọn cho thí sinh phương thức xét tuyển tối ưu nhất.
Cùng đưa ra lời khuyên về việc đăng ký xét tuyển đại học, Ths Phạm Văn Minh, Phó Trưởng Khoa quản trị Kinh doanh (ĐH Nguyễn Trãi) cũng nhấn mạnh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, thí sinh cần lưu ý đặt các nguyện vọng yêu thích nhất ở vị trí phía trên, tránh trường hợp đủ điểm nhưng vẫn trượt các nguyện vọng yêu thích do không biết cách sắp xếp.
Bên cạnh đó, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ các ngành của từng trường. Ví dụ thí sinh yêu thích ngành Marketing, thì nên tìm hiểu có bao nhiêu trường đào tạo ngành này ở Hà Nội hay trên toàn quốc. Từ danh sách này, tiếp tục lựa chọn ra những trường phù hợp với bản thân trên mọi phương diện.
“Các em không nên bước chân vào một môi trường đào tạo mà bản thân không hiểu gì về môi trường đó. Tránh trường hợp sau khi học một thời gian mới phát hiện bản thân không phù hợp và phải chuyển sang môi trường khác”, Ths Phạm Văn Minh nhấn mạnh.
Chuyên gia tuyển sinh này cũng cho rằng, đến khi đăng ký xét tuyển đại học, nhiều thí sinh mới vội vàng tìm hiểu về các ngành nghề là quá muộn. Thực tế tại các nước phát triển, quá trình hướng nghiệp được thực hiện từ bậc mẫu giáo, tiểu học. Trong quá trình học phổ thông, thầy cô, bố mẹ là người định hướng, hướng nghiệp cho các em. Tuy nhiên ở Việt Nam, câu chuyện chọn ngành, chọn nghề chủ yếu được bàn đến khi học sinh vào lớp 12. Nhiều nơi năm lớp 10, 11, việc hướng nghiệp cho học sinh cũng bị bỏ qua. Điều này dẫn đến thực trạng khi lên lớp 12, các em thiếu thông tin về ngành nghề, chạy theo những ngành "hot".
“Tôi nhấn mạnh rằng, khi đăng ký xét tuyển đại học, các em đừng nghĩ đến việc chọn trường trước, mà cần nghĩ chọn ngành, chọn nghề trước tiên. Nghề nghiệp sẽ gắn bó với các em sau này, hãy xem xét các em muốn làm nghề gì, từ đó chọn ngành. Khi chọn ngành, cần cân nhắc 3 yếu tố quan trọng: chọn ngành mình thích; ngành đó mình có đủ năng lực để làm hay không, đây có phải thế mạnh của bản thân hay không; ngành nghề đó như thế nào, xã hội có nhu cầu hay không”, Ths Phạm Văn Minh nhấn mạnh.
Nguyễn Trang/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận