Bộ GD&ĐT lý giải điều chỉnh xếp lương giáo viên, giảm thời gian giữ chức danh
Thông tư 08 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành quy định rõ mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức dạy học trong các trường công lập.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lý giải về quy định mới này.
Xếp lương giáo viên
Thông tư 08 mới quy định, khi bổ nhiệm chức danh từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, để đưa ra được việc xếp lương mới này, Bộ đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông.
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.
Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00.
Giảm thời gian giữ chức danh
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, hiện nay, quy định về thời gian giữ chức danh giáo viên mầm non hạng III là 9 năm. Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III và II không nhiều, nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non. Do đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian giữ chức giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm, tạo động lực phấn đấu và bám trụ với nghề cho các thầy cô.
Bộ GD&ĐT cũng tăng thời gian giữ chức danh giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm, nhằm thống nhất với quy định thời gian giữ hạng với giáo viên bậc phổ thông.
Bỏ nhiều thủ tục cho giáo viên
Trước đây, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ gây khó khăn cho các thầy cô. Từng có thầy cô làm việc nhiều năm nhưng không thể cung cấp đủ minh chứng theo quy định nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng, gây ra tâm lý chán nản, muốn bỏ nghề.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã bổ sung quy định khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.
"Nếu những nhiệm vụ theo hạng chức danh chưa đủ đáp ứng xét nâng hạng thì giáo viên có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan", đại diện Bộ nêu.
Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.
Ngoài ra, Thông tư 08 mới cũng hối thúc các địa phương nhanh chóng bổ nhiệm chức danh và xếp lương các trường hợp giáo viên được phân công dạy môn học mới, môn tích hợp. Bộ gia hạn cho các địa phương 6 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực phải hoàn thành việc này.
Hiệu lực của Thông tư 08 từ ngày 30/5/2023./.
Hà Cường/VTC News
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận