Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất, diện tích gần 160 ha. Hồ Hòa Bình là sự kết hợp hoàn mỹ của thiên nhiên, hoang sơ mà say đắm. Lòng hồ có nhiều đảo nhỏ, có tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, tâm linh…
So với cách đây không lâu, hình ảnh du lịch Hòa Bình đã được cải thiện rất nhiều trong lòng du khách. Các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh mẽ với nhiều điểm, khu du lịch, tour, tuyến du lịch có chất lượng dịch vụ tốt hơn đang mang lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đậm đà những làn điệu dân ca, tiếng chiêng âm vang núi rừng, men rượu cần say đắm lòng người, những món ẩm thực độc đáo… níu giữ chân du khách.
Từ ngã ba chân Dốc Cun, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình. Đi vào đường Tây Tiến “Đường Bình Thanh – Đường số 6 cũ”, đi khoảng 10 km là tới Bến Cảng Du lịch Thung Nai, thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình. Đây là cảng đầu mối, nơi tàu du lịch đón khách thăm quần thể du lịch Văn hóa Tâm linh lòng hồ Sông Đà.
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất hiện nay ở nước ta, là niềm tự hào, đánh dấu những bước đi đầu trên chặng đường CNH, HĐH. Công trình là biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây.
Tạm biệt thủ đô, men theo quốc lộ 6, xe chúng tôi chạy thẳng đến Hòa Bình, qua dốc Cun quanh co, hiểm trở, đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp đã hiện ra dưới tầm mắt, cả một thung lũng ngút ngàn màu xanh đồng ruộng. Xa xa, thấp thoáng những nếp nhà nằm nép mình trong dãy núi phủ kín mây mù - Đó là bản Lác với 100% dân sống ở đây là người dân tộc Thái.