Những bước chuyển mình
Bản Lác, thuộc huyện lỵ Mai Châu, thành phố Hòa Bình, là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Theo Trưởng bản Hà Công Tím, bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, cái tên bản Lác đã được nhiều người biết như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Huyện ly Mai Châu xinh đẹp và bình yên.
Ông Tím khẳng định: Thời điểm “phất” lên rõ nhất của bản Lác là từ năm 1997, khi ấy, bản Lác bốn mùa nhộn nhịp khách ghé thăm. Cứ người nọ mách người kia, du khách tìm đến bản Lác mỗi ngày một đông. Có những hôm khách ghé thăm nhiều hơn người dân bản. Nhà trong bản không đủ cho khách trọ. Có cung ắt có cầu. Dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Không chịu thua kém chị em, đàn ông Thái đen cũng “vào cuộc”. họ chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre... để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Cứ thế, ngày qua ngày, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt ở bản này và loại hình du lịch homestay - sống trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
“Khách sạn” của bản
Bản Lác là nơi cư trú của người dân tộc, nhưng ai đến đây cũng không khỏi bất ngờ bởi bản Lác có đường nhựa trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ. Chúng tôi dừng chân ở “hotel” số 1, nơi được dân du lịch “phong tặng” danh hiệu “khách sạn 4 sao”. Tiếp chúng tôi là anh Lò Thái Thu - chủ “khách sạn”, anh Thu năm nay 24 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” 6 năm trong nghề. Ông chủ trẻ cho biết, hiện toàn bản có 25 “hotel” là nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, mỗi “khách sạn” đều được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 25. Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây.
Loại hình du lịch homestay - sống trong chính ngôi nhà của người dân được du khách đặc biệt ưa chuộng.
Từ những sợi tơ mỏng manh như thế này...
... người dân bản Lác đã dệt thành những chiếc khăn với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo để bán cho du khách.
Những dụng cụ săn bắt thú rừng cũng trở thành món quà rất đặc biệt đối với du khách quốc tế.
Nhà sàn ở bản Lác được dát bằng tre rộng mênh mông, cái nào cũng cao ráo, sạch sẽ và giữ được truyền thống kiến trúc cổ. Bên trong có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Sát cạnh sàn ngủ - nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm và uống trà. Chỉ với 30.000 đồng/người, chúng tôi đã có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2 m để ngả lưng qua một đêm. Lối sinh hoạt dân dã, ấm cúng phần nào gắn kết những con người lần đầu tiên gặp nhau trở thành thân quen, không ít người trong số họ đã trở thành tri kỷ.
Ghé thăm bản Lác, chúng tôi và nhiều du khách không thể bỏ qua những món ăn đặc sản nơi này. Mâm cơm cho 6 khách gồm 1 đĩa thịt gà bản, 3 xiên thịt rừng nướng, nếp Mai Châu, bát canh rau muống cùng chai rượu Mai Hạ đã được chủ nhà sắp xếp ngon lành để tiếp khách. Khi vào bữa, chủ nhà không quên mời khách một ly gọi là cảm ơn. Vì là cơm do chủ nhà “đãi” khách, nên giá ở đây rất hợp lý, chỉ 200.000 đồng cho mâm cơm khá tươm tất.
Thịt lợn rừng nướng - món ăn đặc trưng của bản Lác - Mai Châu.
Đốt lửa trại cũng là hình thức thu hút được nhiều du khách tới Mai Châu.
Sau bữa tối, du khách được đắm mình trong men rượu cần và thưởng thức những tiết mục ca nhạc đặc sắc ngay trên nhà sàn do thanh niên nam nữ trong bản biểu diễn. Nếu muốn, khách cũng có thể tham gia nhảy múa cùng dân bản trong một số tiết mục.
Đã từng ngủ lại nhà sàn ở những bản làng hẻo lánh xa xôi, nhưng chỉ một ngày đêm tại bản Lác có cái gì đó thật khó quên khi bốn bề gió lùa, sương giăng trước mặt và vách núi dựng âm u. Đâu đó trong đêm, vang lên tiếng thì thầm tâm sự của những con người mới đây thôi còn lạ bỗng chốc trở thành thân quen. Cuộn mình trong chiếc chăn thổ cấm ấm áp, tôi cứ nghĩ lan man về một vùng rừng núi, nơi những người dân bản hiền lành, thật thà làm du lịch giỏi và một nền tảng văn hóa dân tộc phong phú. Bấy nhiêu thôi cũng quá đủ để Mai Châu vẫy gọi du khách bốn mùa, bốn phương.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận