Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Quốc hội đã dành cả buổi sáng và đầu giờ chiều nay (8/11) tiến hành chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 với hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ, sáng nay (08/11) Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
Có thể xử lý căn cơ tình trạng "báo hóa" tạp chí và trang thông tin điện tử?
Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn Nam Định về tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: đây là hoạt động sai Luật báo chí. Hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.
Theo Bộ trưởng, trong luật ghi tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. Bộ có nhìn thấy và gần đây nhất đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ TT&TT bàn câu chuyện trên. Hội nghị thống nhất đưa ra những giải pháp.
"Tôi nghĩ có hai giải pháp. Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí. Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng và cho rằng, nếu chúng ta có nhiều biện pháp thì liệu có giải quyết được gốc rễ vấn đề hay không trong khi nguyên nhân chính là các tạp chí lúng túng trong hoạt động và không rõ ràng hai mục tiêu: vừa hoạt động báo chí vừa hoạt động kinh tế. Đại biểu Thảo đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nêu trên.
Về băn khoăn này, Bộ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chỉ có thể quản lý để hạn chế chứ không thể có giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, cũng phải nghĩ đến đời sống của anh em.
“Đây là trăn trở rất lớn của cá nhân tôi. Hiện 41.000 người đang sống bằng hoạt động báo chí. Nguồn thu từ quảng cáo trước đây khoảng 26.000 tỷ đồng, giờ chỉ còn 13.000 tỷ đồng, một nửa rơi vào mạng xã hội. Anh em tự bơi nên rất khó khăn”.
Bộ trưởng bộc bạch, đồng thời cho biết: Thực tế này đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Họ phải làm sao vừa bảo đảm điều kiện hoạt động, vừa để anh em có thể sống bằng nghề. Thứ hai là Nhà nước đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, có nguồn kinh phí để đặt hàng. Các công ty truyền thông xã hội nước ngoài, các nền tảng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng có thể là một nguồn thu để chúng ta có kinh phí.
Năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí các bộ ngành, địa phương
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân, đoàn Phú Yên về quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí phát thanh truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, chúng ta có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình. Trung ương cũng nhận thấy cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, mỗi đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động báo chí sau một thời gian có sự buông lỏng"
Nhân đây, Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương, các bộ ngành quan tâm, chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề thời gian gần đây, nhất là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi truỵ thiếu văn hoá. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt chịu thiệt hại vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe doạ. khủng bố.
“Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới, xử lý như thế nào” – đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ khi Luật an ninh mạng có hiệu lực, việc giải quyết vấn nạn trên được làm mạnh mẽ hơn mặc dù hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật an ninh mạng chưa được chi tiết hoá thông qua Nghị định.
Dẫn kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100% thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google trước kia chấp hành khoảng 40-50% yêu cầu nhưng hiện nay đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.
“Ví dụ như gỡ game xấu độc, đánh bạc, tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây lên đến 92%. Cách đây 2 ngày, chính thức Facebook đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố”- Bộ trưởng TT&TT cho biết.
Xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Do đó, để ngăn chặn được thì yếu tố đầu tiên phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Như Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù đến 10 năm. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng bị xử lý mạnh tay như vậy.
Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.
Ông cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội.
"Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội thì không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin" - ông Hùng nói và nhấn mạnh cần phải nâng cao đạo đức, giáo dục trên không gian mạng. Bộ cũng đã kiến nghị làm việc với Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng số vào cấp học phổ thông.
Trong buổi sáng nay, nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ tập trung vào công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Chốt lại 3 ngày chất vấn, chiều nay 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.
Hương Giang-Minh Phương- Bảo Ngọc/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận