Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn
Bộ trưởng sẽ làm rõ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; bố trí cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã...
Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cuối giờ sáng nay đến hết ngày 7/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về nhiều vấn đề nóng được quan tâm trong thời gian qua.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xoay quanh việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Cùng với đó, Quốc hội cũng chất vấn về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các đại biểu: Nguyễn Thanh Hải, đoàn Tiền Giang; Phùng Văn Hùng, đoàn Cao Bằng; Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắc Nông; Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên; Châu Quỳnh Giao, đoàn Kiên Giang chất vấn Bộ trưởng về những vấn đề như: biên chế giáo viên; tự chủ của các đơn vị công lập; sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; tinh giản biên chế.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông bày tỏ băn khoăn: "Hiện tượng thiếu giáo viên có nguyên nhân là quy định về định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp hiện nay chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn, chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn miền núi đồng bằng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Theo tôi đối với khu vực Tây Nguyên và thành phố lớn còn có nguyên nhân là việc di dân không theo kế hoạch và việc dịch chuyển lao động. Vậy Bộ trưởng cho biết làm thế nào để bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy?.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, riêng về giáo viên, Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đạo tạo và xin kiến nghị Chính phủ cho thành lập Nghị quyết riêng về vấn đề biên chế của giáo viên.
"Chúng ta không thể lấy biên chế giáo viên mà để tính cho biên chế cho các đơn vị sự nghiệp khác bởi vì đây là lĩnh vực đặc thù, dân số tăng giảm, thiếu cục bộ từng môn, từng vùng và theo định mức thì chúng ta cũng phải có định mức biên chế cho từng vùng"- Bộ trưởng cho biết.
Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là tư lệnh các ngành: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng sẽ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng cho biết, tính đến này 30/9/2019, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các Hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015.
Về công tác bổ nhiệm, theo Bộ trưởng Nội vụ, vẫn còn những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định; chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục bổ nhiệm; bổ nhiệm người nhà người thân.
Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/9/2019, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thu hồi 21 trường hợp bổ nhiệm và 233 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định./.
PV/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận