Triển khai kế hoạch sáp nhập nhiều huyện, xã trên cả nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sáp nhập các đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, nhưng cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc khó, phức tạp nhưng cần thiết phải làm
Hội nghị của Chính phủ nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030, theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Việc này cũng hướng đến mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Thủ tướng nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định, sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển; gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng.
Tuy nhiên, ông lưu ý quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru.
Đặc biệt, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước. Ông lưu ý thêm nơi nào thống nhất về nhận thức và tư tưởng thì công việc suôn sẻ, nếu không sẽ ách tắc, chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.
"Công việc nhiều, thời gian ít, yêu cầu cao và nguồn lực có hạn nên cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, tập trung và hiệu quả", Thủ tướng quán triệt các bộ ngành, địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm, nêu khó khăn có thể lường trước và giải pháp khắc phục khi thực hiện việc sáp nhập.
33 huyện và 1.300 xã thuộc diện sáp nhập đến năm 2025
Ngoài việc được quán triệt những nội dung quan trọng từ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu dự Hội nghị cũng được nghe hướng dẫn các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…
Theo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Báo cáo trước đó tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/7, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đã làm việc với 63 tỉnh thành để rà soát và đưa ra phương án sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã. Trong số này có khoảng 16 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện và 400 đơn vị hành chính đô thị cấp xã phải sắp xếp.
Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng. Theo đó, bà Trà cho biết, số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người, cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
(Theo Hoài Thu Dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận