Quảng Bình tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Mưa lũ trong những ngày qua tại Quảng Bình đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 5 tàu thuyền bị chìm, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu.
Hôm nay (30/10), tại Quảng Bình mực nước trên các sông đang hạ, nước đã bắt đầu rút ở vùng "rốn lũ", nhiều hộ dân di dời vì ngập lụt đã trở về bắt đầu dọn dẹp nhà cửa với phương "nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó".
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị công an, thanh niên nhanh chóng triển khai đội hình tình nguyện chung tay hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là các trường học để ổn định tình hình, đảm bảo công tác dạy và học.
Công an tỉnh đã triển khai các đội hình thanh niên tập trung hỗ trợ dọn vệ sinh, sắp xếp lại đồ dùng học tập, bàn ghế tại các trường học trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, sẵn sàng cơ sở vật chất để các em học sinh sớm có thể quay trở lại trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn thông tin, hiện trên địa bàn huyện nước đã hạ dần, chính quyền địa phương đang tập trung hỗ trợ nước uống, thực phẩm cho các hộ dân ở vùng trũng còn ngập. Cùng với đó, chính quyền địa phương phân bổ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau lũ cả vùng núi và đồng bằng.
Với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó", khắc phục những đoạn đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị hư hỏng bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết, nước sinh hoạt; bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh...
Do ảnh hưởng của bão số 6, những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 5 tàu cá bị chìm. Mưa lớn đã làm ngập lụt 32.885 ngôi nhà, trong đó nhiều nhất tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới; làm chia cắt 58 thôn, bản; các tuyến đường giao thông bị ngập 76 điểm; sạt lở 13 điểm; thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, hàng nghìn con gia cầm; nhiều cây xanh ngã đổ; 52 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có 448 phòng học bị ngập nước; sạt lở trên 3.030 m3 đất, 1,5km kè biển…
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng thuộc quân đội, công an, biên phòng và trên 1.800 thành viên thuộc lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai các xã; 519 cano của huyện, công an, quân sự, biên phòng, của xã, thôn... hỗ trợ, ứng cứu các điểm bị cô lập, bị chia cắt, không tiếp cận được.
Để khắc phục nhanh hậu quả bão số 6 và mưa lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị tiếp tục triển khai đồng bộ công tác ứng phó với mưa lũ, ngập theo phương châm "4 tại chỗ".
Đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình thiên tai, tập trung một số nhiệm vụ cấp bách gồm: UBND các huyện, thị, đặc biệt là huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới nắm chắc tình hình, nhu cầu, chủ động, kịp thời hỗ, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, trong đó lưu ý đời sống đồng bào dân tộc vùng thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đến nơi an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn khi lưu thông ở những vùng còn ngập lụt, cử lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn.
Huy động lực lượng tại chỗ triển khai dọn dẹp, vệ sinh môi trường với tinh thần nước rút đến đâu triển khai khắc phục ngay đến đó, nhất là các trường học, bệnh viện, trạm y tế.
Công tác điều phối tiếp nhận cứu trợ, hỗ trợ trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; chủ động hỏi thăm, động viên gia đình có người chết, mất tích trong thiên tai.
Sở GD&ĐT chỉ đạo khẩn trương dọn dẹp hậu quả thiên tai để sớm tổ chức dạy và học theo kế hoạch; phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, tỉnh đoàn sẵn sàng huy động lực lượng để khi có yêu cầu hỗ trợ các địa phương, người dân dọn dẹp trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút.
"Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, các địa phương chủ động rà soát hồ đập, đê điều sau mưa lũ, chủ động tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất; triển khai công tác xử lý môi trường, nước sinh hoạt nông thôn, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai", ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu.
Lưu Hương ( Theo https://baochinhphu.vn/quang-binh-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-102...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận