Phòng chống bạo hành trẻ em: Cần giải pháp gì?
Ngoài biện pháp, giải pháp của cơ quan chức năng, công tác bảo vệ trẻ em khỏi các vụ bạo hành trước tiên đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực cao độ của chính gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng và khiến dư luận công phẫn, như vụ bé gái 8 tuổi ở chung cư Phường 22 (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), bé trai ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hay bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang)… Điều đáng nói là, thủ phạm gây ra các vụ việc đau lòng này đều chính là người thân hoặc người trong gia đình, có quan hệ gần gũi với nạn nhân.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con em mình hoặc nhiều người còn quan niệm "yêu cho roi, cho vọt"! Còn những người xung quanh có tâm lý "đèn nhà ai nhà nấy rạng", không quan tâm hoặc ngại lên tiếng can thiệp. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu…
Trước hiện trạng trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trong đó, Bộ LĐTB&XH và UBND các cấp tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật chống xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục truyền thống gia đình, trách nhiệm các ông bố, bà mẹ cùng với nhà trường, xã hội bảo vệ trẻ em. Bộ LĐTB&XH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, thực thi pháp luật, tập trung xử lý, giải quyết nghiêm minh, nhanh chóng nhất các vụ việc xảy ra với trẻ em. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phải phản ánh kịp thời với UBND các địa phương khi có tình huống xâm hại trẻ em. Ngoài ra, cần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho các em.
Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tội phạm xâm hại trẻ em, lực lượng công an tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Công an chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm; thiết lập các đường dây nóng, các điện thoại, thư điện tử (email), hộp thư tố giác tội phạm, trong đó có những vụ việc xâm hại trẻ em; tăng cường vận động nhân dân kịp thời tố giác tội phạm; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án, thống nhất điều tra xét xử các vụ xâm hại trẻ em, qua đó nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Về phía Tòa án, cơ quan này đã ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; xuất bản 3 tập giải đáp và xây dựng bộ giáo trình xử lí các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tòa án phối hợp với Viện Kiểm sát và Bộ Công an xây dựng các thông tư liên tịch, hướng dẫn, giải quyết các loại tội phạm; tiến hành các biện pháp tư pháp cho trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp đối với trẻ em.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngày 7/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 23/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030". Theo đó, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ trẻ em bị xâm hại xuống còn dưới 4,5% vào năm 2025 (hiện nay là 5%); giảm tỉ lệ lao động trẻ em xuống còn dưới 4,9% vào năm 2025 (hiện nay là 5,3%).
Để thực hiện mục tiêu trên, các tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030", phù hợp với đặc điểm địa phương mình.
Chẳng hạn tại Hà Nội, cơ quan chức năng đang phối hợp với các ban, ngành chức năng, nghiên cứu, đề xuất với UBND Thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Sở LĐTB&XH sẽ hướng dẫn các đơn vị, địa phương phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp trẻ em tại cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho trẻ em và các gia đình.
Ngoài biện pháp, giải pháp của cơ quan chức năng, công tác bảo vệ trẻ em khỏi các vụ bạo hành trước tiên đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực cao độ của chính gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận