Mạo danh ‘lương y gia truyền’quảng cáo thổi phồng
Các quảng cáo "lương y gia truyền" bán các loại thuốc đông y được “thổi phồng” chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính, đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng và giá trị của dược liệu y học cổ truyền nước ta.
Trao đổi với báo chí xunh quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, các quảng cáo này thường được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như: tiểu đường, ung thư, xương khớp... và mạo danh lương y nổi tiếng để quảng cáo, công khai số điện thoại, khiến nhiều người dân nhầm tin và mua sản phẩm với mục đích chữa bệnh.
"Chúng tôi đã nhận nhiều thông tin phản ánh vấn đề này. Cơ quan công an cũng vào cuộc điều tra, tuy nhiên các số điện thoại quảng cáo không có thật. Việc mạo danh này rất phức tạp, phải cần các cơ quan, ban ngành phối hợp cùng xử lý. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân cảnh giác các đối tượng lừa đảo là rất quan trọng", ông Thịnh cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cục Quản lý y, dược cổ truyền, nước ta có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú. Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đóng vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ y tế cơ sở.
Tại các cơ sở y tế trên cả nước, việc kết hợp điều trị tây y và y học cổ truyền đối với một số mặt bệnh đang gia tăng, khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương.
Dược liệu dễ bị làm giả
Theo ông Nguyễn Thế Thịnh, hiện Việt Nam ghi nhận trên 5.000 loài dược liệu có công dụng chăm sóc bảo vệ sức khoẻ ấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó, có nhiều dược liệu quý có công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế.
Cả nước đã hình thành các vùng trồng dược liệu lớn, với những cây thuốc quý như: sâm, quế, hồi, sa nhân... đang được tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên, dược liệu có loại không thể thay thế, vì vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại từ nước ngoài, nhất từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, có những dược liệu dễ bị làm giả, có những sản phẩm không chính thống, do một số "ông lang, bà mế" bất kỳ nào cũng có thể quảng cáo bán, thậm chí sử dụng chất bảo quản, gây ảnh hưởng sức khoẻ người sử dụng.
Để đảm bảo chất lượng an toàn của dược liệu khi đưa ra thị trường, theo PGS Nguyễn Thế Thịnh cần phải kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ
"Đối với các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc) và các bệnh viện chính thống không bao giờ phun, tẩm ướp, sử dụng chất bảo quản trong dược liệu, thuốc đông y", ông Thịnh khẳng định.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về điều kiện sơ chế, chế biến dược liệu. Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra các phòng khám, cơ sở hành nghề gia truyền. Nếu phát hiện trường hợp dược liệu, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì xử lý theo quy định pháp luật.
( Theo https://baochinhphu.vn/mao-danh-luong-y-gia-truyenquang-cao-thoi-phong-1...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận