Gia đình ông Xa Văn Vọng, xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc bên ngôi nhà mới
khang trang từ chương trình xóa nhà tạm.
Ở nhiều xã vùng cao của Hòa Bình đã từng có những mái nhà không dám gọi là "nhà”. Mái rạ xám màu gió, vách nứa xô nghiêng, nền đất nứt nẻ, chỉ một cơn gió cũng đủ làm rung lên cả mùa lạnh. Nơi ấy có những đứa trẻ phải co ro bên bếp lửa mỗi đêm mưa, có những cụ già lặng lẽ đắp tấm chăn mỏng mượn từ hàng xóm. Theo thống kê giai đoạn đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có tới 3.194 nhà tạm cần được thay thế. Một con số không chỉ là thống kê, đó là từng gia cảnh cụ thể, từng vùng lõm an sinh, từng giấc mơ an cư bị hoãn vì nghèo khó. Những mái nhà ấy rải rác khắp nơi: từ các xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) nơi rừng núi trập trùng, đến các bản ven sông Đà của các huyện Đà Bắc, Cao Phong... Ở đó, nếu hỏi mong ước lớn nhất của người dân là gì, câu trả lời giản dị lắm: "Chỉ mong có một mái nhà thật sự là nhà."
Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu "không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hòa Bình đã cụ thể hóa mục tiêu xóa nhà tạm bằng một kế hoạch hành động rõ ràng, dứt khoát và có trọng tâm. Trong đó, nguồn lực tài chính là bước đi đầu tiên, nhưng điều làm nên thành công chính là cách tỉnh huy động được sức dân, khơi dậy được lòng dân.
Chỉ riêng cấp tỉnh, Quỹ xóa nhà tạm đã huy động được gần 90 tỷ đồng, trong đó 82,6 tỷ đồng đã được giải ngân trong giai đoạn 2021 đến quý I/2025 để xây dựng 1.488 ngôi nhà mới. Cấp huyện và các địa phương tiếp sức với 284 căn, trong khi chính cộng đồng thông qua đóng góp, vận động và nguồn lực hợp pháp khác đã chung tay dựng thêm 132 mái ấm. Tổng cộng 1.904 căn nhà đã được hoàn thiện trên khắp địa bàn tỉnh, từ những thôn, bản xa xôi nhất.
Đáng nói, đó không chỉ là những ngôi nhà được xây từ gạch và xi măng, mà từ cả sự chung tay, chung lòng. Có nơi, người dân hiến đất để dựng nhà cho hàng xóm. Có xã, đoàn thể huy động ngày công, vật liệu, thậm chí đưa cả đoàn thanh niên đến "cõng" gạch, khuân cát giữa mùa mưa. Một trưởng thôn ở huyện Kim Bôi nói: "Nhà không chỉ xây bằng tay thợ, mà bằng cả lòng tin. Người nghèo thấy mình được quan tâm, họ cũng muốn góp chút gì đó, từ viên đá, bó củi, hay một bữa cơm nóng cho người làm nhà.”
Hòa Bình cũng chọn cách triển khai tập trung, không dàn trải, ưu tiên các hộ nghèo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xét chọn được giao về tận xóm, có giám sát của Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng để đảm bảo đúng, đủ, minh bạch. Chính vì thế, mỗi ngôi nhà mới được bàn giao không chỉ là thành quả của chính quyền, mà là dấu ấn của niềm tin giữa Nhà nước và Nhân dân.
Một căn nhà mới không thể ngay lập tức làm đổi thay cả cuộc đời, nhưng nó đủ để thắp lên niềm tin, làm nền móng cho những thay đổi dài lâu. Những bức tường gạch đỏ, mái tôn sáng loáng và khoảng sân vuông vức giờ đây đã thay cho những chái lá ủ dột. Từ mái nhà vững chãi ấy, con trẻ có thể học bài trong ánh đèn điện, người già không còn co ro mỗi mùa gió lạnh, còn những người cha, người mẹ đã dám nghĩ đến chuyện nuôi thêm đàn gà, mở một tiệm tạp hóa nhỏ trước hiên nhà…
Với gia đình ông Xa Văn Vọng, dân tộc Tày ở xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, ước mơ có một căn nhà đúng nghĩa từng là điều quá xa vời. Cả gia đình 5 người sống cảnh nghèo bền vững, không có nhà riêng, phải đi ở nhờ suốt nhiều năm. Vợ ông bị bệnh hiểm nghèo nên dù làm lụng bao nhiêu, gia đình vẫn không thể thoát khỏi cảnh tạm bợ.
Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Hòa Bình đã đến thăm và tham gia khởi công xây dựng căn nhà mới cho gia đình ông Vọng. Chưa đầy nửa năm sau, trong ngôi nhà khang trang vừa hoàn thiện, ông Vọng nghẹn ngào đón Thủ tướng quay trở lại: "Từ nay, tôi có thể ngủ ngon trong chính ngôi nhà của mình, vợ, con cũng yên tâm điều trị và sinh sống. Nhà mới không chỉ là chỗ ở, mà là khởi đầu cho một cuộc đời khác.”
Chính từ những căn nhà vững chãi đó, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí NTM đã được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến quý I/2025, 112 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn tiêu chí này; nhiều xã vùng sâu, vùng khó vươn lên mạnh mẽ. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cũng giảm còn 6,59%, và mục tiêu giảm xuống 5,31% trong năm nay hoàn toàn có cơ sở.
Không chỉ là "hết nghèo về vật chất”, những ngôi nhà mới còn là dấu mốc tinh thần. Ở đó, người dân không chỉ sống, mà bắt đầu mơ ước. Chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ, mà bắt đầu đồng hành. Và Hòa Bình, từ một tỉnh miền núi còn nhiều thách thức, đang lặng lẽ viết nên câu chuyện nhân văn trong hành trình xây dựng NTM: bắt đầu từ một mái nhà.
Minh Vũ (Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận