Gỡ khó để người khuyết tật được cấp bằng lái xe máy thuận lợi hơn
Tại Hà Nội, mới chỉ có 1-2 trường hợp được cấp giấy phép lái xe B1, chưa trường hợp nào được cấp giấy phép lái xe A1 để điều khiển xe máy, xe ba bánh.
Anh Nguyễn Văn Cử, ở TP.HCM, mắc chứng bệnh teo cơ từ nhiều năm nay, đa phần sử dụng xe máy để đi lại. Dù bàn chân vẫn có thể co duỗi, di chuyển và đạp phanh khi điều khiển xe máy nhưng anh Cử buộc phải điều khiển xe máy “chui” vì không xin được cấp giấy phép lái xe.
Nguyên do là ở mỗi cơ sở y tế khám bệnh có một cách hiểu khác nhau về Thông tư 24 của Bộ GTVT và Bộ Y tế về khám sức khỏe cho người khuyết tật:
Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT, hiện cả nước chỉ có khoảng 1.132 xe buýt sàn thấp trong tổng số khoảng 8.500 xe buýt, chiếm 13,3%.
Tại các nhà chờ, trạm dừng xe buýt ở Hà Nội, hạ tầng giao thông còn thiếu các làn đường tiếp cận, không gian cho người khuyết tật nên hiện nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ người khuyết tật sử dụng xe buýt để đi lại. Đa phần, người khuyết tật tham gia giao thông sử dụng phương tiện cá nhân là xe 3 bánh.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, một người khuyết tật vận động đang sử dụng xe lăn cho những khu vực gần nhà và sử dụng xe 3 bánh đối với những quãng đường xa. Tuy nhiên, anh Tùng không tránh khỏi băn khoăn khi các loại xe này chưa được đăng kiểm.
"Hiện nay các xe 3 bánh phải thông qua các xưởng để chế, lắp 2 bánh xe vào phía sau và điều chỉnh một số thiết bị phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật. Hiện nay, xe này chưa được đăng kiểm gì cả, vì chưa có quy định cụ thể là người khuyết tật đăng kiểm thế nào cũng như cấp giấy phép lái xe cho xe 3 bánh", anh Tùng cho biết.
Còn tại Hà Nội, mới chỉ có 1-2 trường hợp được cấp giấy phép lái xe B1, chưa trường hợp nào được cấp giấy phép lái xe A1 để điều khiển xe máy, xe ba bành.
Ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch hội khuyết tật Hà Nội cho biết, nhiều người khuyết tật ở Hà Nội cũng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy phép lái xe: "Mặc dù là quy định đã có nhưng hiện nay đang gặp khó khăn là quy định đã có nhưng mà không có đơn vị nào thực hiện việc này. Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải thì không có một cơ chế hay là một quy định nào bắt buộc đơn vị đào tạo lái xe cho khuyết tật. Nhu cầu của người khuyết tật trong việc xin cấp bằng lái xe có nhưng mà không có không có đơn vị nào".
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải và Bộ y tế đã ban hành Thông tư số 24 quy định về điều kiện sức khỏe cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật. Theo đó, đối với một số những dạng tật không bù đắp được không được phép lái xe và sẽ đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc nhờ người trở đi. Tuy nhiên, theo ông Minh cho rằng cần có sự hỗ trợ đối với một số dạng khuyết tật khác:
"Có những khuyết tật thì lại có thể bù đắp được bằng các giải pháp về mặt công nghệ hoặc các thiết bị hỗ trợ thiết kế. Đối với những trường hợp như vậy, hoàn toàn có thể hoàn thiện các quy định pháp luật để hỗ trợ cho người khuyết tật có thể được học lái xe và điều khiển phương tiện. Ví dụ với những người cụt tay, có thể dùng tay giả, cụt chân có thể dùng những xe thiết kế chuyên dụng lẫy chuyển số, phanh ở trên vô lăng, trên thế giới đã từng phát triển", TS Trần Hữu Minh cho biết.
Hiện Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu theo hướng tích hợp các nội dung về an toàn giao thông vào trong các quy hoạch giao thông nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật. Điều này không chỉ giảm bớt sức ép của các chương trình phúc lợi xã hội mà cũng tạo cơ hội để người khuyết tật dễ dàng trong việc mưu sinh và hòa nhập cộng đồng.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận