Chuyên gia: Cần hạn chế đi lại trong dịp Tết để giảm số ca mắc Covid-19
Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nhiều người lo ngại, nhu cầu đi lại dịp cuối năm của người dân tăng lên, đây sẽ là “cơ hội” để các ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao.
Nhiều ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 đứng đầu cả nước, đáng lo ngại, số F0 trong cộng đồng ngày một gia tăng và số lượng ca mắc chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cá biệt, trong ngày 8/1 đã có tới 2.800 ca mắc Covid-19.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân thường xuyên giao lưu, đi lại, mầm bệnh đã “tồn tại” trong cộng đồng, biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Người tiêm vaccine giai đoạn đầu miễn dịch, sau tiêm sẽ giảm theo thời gian và những người mới tiêm cần có thời gian sinh miễn dịch.
Bên cạnh một số người còn thiếu ý thức, chủ quan với dịch bệnh thì vẫn có những người lo sợ và có ý thức trong phòng, chống dịch. Nhiều người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã có kế hoạch ăn Tết tại đây, không về quê như mọi năm để bảo đảm an toàn cho bản thân mình và mọi người trong gia đình.
Gần 6 tháng nay, gia đình Chị Hoàng Thu Hồng (Nam Định) không thể về quê thăm gia đình nội, ngoại hai bên. Vợ chồng chị hy vọng, Tết âm lịch năm nay, cả gia đình sẽ được về quê ăn Tết như mọi năm. Thế nhưng, thời điểm cận Tết, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng cao nên gia đình anh chị quyết định ở lại Hà Nội, không về quê nữa. Chị Hồng lo lắng, ông bà ở quê tuổi đã cao, không may bị nhiễm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm.
TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng, số lượng ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua quả thực rất đáng lo ngại, bởi đã có một thời gian chúng ta mong muốn “Zero-Covid”. Đến thời điểm này, phải xác định sống chung với đại dịch, các ca lây nhiễm tăng lên nhiều cũng là điều đương nhiên. Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, việc tụ tập động người, di chuyển theo thông lệ sẽ là cơ hội để các ca lây nhiễm tiếp tục tăng lên và lan rộng trong cộng đồng.
TS. Đinh Trọng Thịnh mong muốn, các cấp chính quyền cũng như người dân cần chủ động thực hiện tốt 5K và giảm thiểu đến mức tối đa việc tập trung đông người hoặc việc di chuyển không cần thiết để phòng dịch, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan chéo giữa các người bệnh và lây lan ra xã hội: “Cần tuyên truyền, giải thích rộng rãi cho người dân để hạn chế việc tụ tập đông người, tránh di chuyển nhiều trong các dịp lễ, hội. Đồng thời, mỗi người dân cần chú trọng thực hiện tốt 5K để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng”.
Đồng quan điểm, PGS -TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus SARS-CoV-2 vẫn lây qua đường hô hấp, theo hình thức giọt bắn, nguy cơ cao vẫn là tiếp xúc gần và tụ tập đám đông trong môi trường kín. Khi chúng ta đi lại nhiều, cơ hội tiếp xúc giữa người với người sẽ tăng lên, trong đó có tiếp xúc giữa người mắc Covid-19 với người không bị bệnh. Đáng nói, có những người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng, điều này đã vô hình làm lây lan bệnh trong cộng đồng.
Theo ông Phu, việc đi lại nhiều không chỉ gây nhiễm bệnh cho những người trong cùng một địa phương trong dịp Tết, mà có thể lây nhiễm cho người ở các địa phương khác nữa bởi nhu cầu di chuyển của người dân trong thời gian này là rất lớn. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì sẽ lây bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ người này sang người khác, từ đó dẫn đến bùng phát dịch trong cộng đồng.
“Chúng ta chỉ đi lại khi thật cần thiết, tránh tụ tập đông người, phải thực hiện tốt 5K để phòng bệnh, tránh để bản thân mình nhiễm bệnh, làm lây lan cho người khác, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vaccine, người già, người mắc bệnh nền”, ông Trần Đắc Phu nói.
Cũng theo ông Phu, số lượng các ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian vừa qua là do chúng ta nới lỏng Nghị quyết 128, nới lỏng các hoạt động, nới lỏng cả việc đi lại, tăng sự tiếp xúc giữa người với người. Điều này đã được dự báo từ trước. Đặc biệt, Hà Nội là thành phố đông dân, người dân không chỉ di chuyển trong thành phố mà còn di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác.
Có nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đã tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 với tỷ lệ cao như vậy mà con số các ca mắc bệnh ở Hà Nội vẫn không giảm đi. Ông Phu giải thích, vaccine phòng, chống Covid-19 có làm giảm được sự lây nhiễm bệnh nhưng không giảm được hoàn toàn. Người tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm và vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Tính ưu việt của vaccine là phòng, chống sự lây nhiễm của dịch Covid-19, nhiều trường hợp bị mắc bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà, từ đó không làm quá tải hệ thống y tế và giảm nguy cơ tử vong.
“Trong các dịp lễ, Tết tới đây, người dân cần hạn chế đi lại khi không cần thiết; cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không đến nơi tập trung đông người và tụ tập, liên hoan cuối năm. Nhiều gia đình có người thân đang ở các tỉnh có nhiều ca mắc trong cộng đồng nên vận động người thân ở lại, không nên về quê thời điểm này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cùng với biến chủng Delta, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng cao. Do đó, mỗi người dân cần chủ động thực hiện nghiêm “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch. Ý thức của mỗi người sẽ là lá chắn hiệu quả, góp phần ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan, bùng phát./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận