Cá nuôi lồng chết hàng loạt trên sông Mã
Sông Mã, đoạn chảy qua huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) những ngày gần đây có màu nước đục, bốc mùi hôi. Gần 10 tấn cá nuôi lồng của người dân đã chết trắng tại đoạn sông này.
Nước sông đổi màu đen kịt
1 tuần sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt với số lượng lớn trên sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước, hiện dưới chân cầu Bến Kẹm (xã Điền Lư), vẫn có hơn 10 lồng cá của người dân đang phải chạy máy bơm liên tục, hút nước từ các ao liền kề xả vào các lồng nuôi để tạo oxy nhằm cứu đàn cá đang thoi thóp. Nước sông Mã thời điểm 11 giờ trưa ngày 3/5 ngả sang màu sẫm đen, nước có mùi hôi và ngứa khi chúng tôi chạm tay vào.
Ông Cao Văn Thành (trú thôn Điền Giang, xã Điền Lư) cho biết: Ngày 27/4, cá trong lồng bất ngờ chết hàng loạt, ước tính hàng trăm kg. Hiện tại, trong lồng nuôi của gia đình chỉ còn 70 - 80 con cá, nặng khoảng 180kg, đang phải chạy máy bơm 24/24 từ ngày 28/4 để cứu cá.
“Nếu chất lượng nước không thay đổi thì có sục oxy, cá cũng chết. Còn nếu đưa cá đi nơi khác, cũng không khả thi vì giờ cá quá yếu rồi. Chúng tôi giờ chỉ hy vọng, thủy điện phía trên thượng nguồn xả lũ để làm thay đổi nguồn nước, khi đó, mới có thể thoát khỏi tình trạng này” - ông Thành chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lư: Trên địa bàn xã có 110 lồng cá nuôi của hơn 100 hộ dân. Vào ngày 20/3, có hiện tượng cá chết lẻ tẻ. Từ ngày 20/4 đến nay, nước chuyển sang màu đen kịt, cá chết rất nhiều. Ước tính, có khoảng 32 hộ bị thiệt hại 1,1 tấn cá. Trước thực trạng trên, xã lập danh sách các hộ bị thiệt hại để báo cáo huyện, đồng thời, vận động người dân tiếp tục bơm nước, cố gắng cứu vớt số lượng cá còn lại.
Tại thị trấn Cành Nàng, tình trạng cá chết trên sông xảy ra rất nghiêm trọng, trong đó, một trong những hộ thiệt hại nặng nhất là gia đình chị Ngô Thị Minh. Ngày 27/4 vừa qua, có khoảng hơn 1.200 con cá lăng, cá leo (khoảng 1 tấn) và 100kg cá trắm cỏ của gia đình chị Minh chết bất thường, tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. “Gia đình tôi vay ngân hàng hàng chục triệu đồng để đầu tư lồng, mua giống, thức ăn cho cá với mong muốn phát triển kinh tế nhưng nay cá chết như vậy món nợ này chưa biết lấy đâu để trả” - chị Minh nói.
Ông Trịnh Văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng cho biết: Theo thống kê, đến ngày 3/5, thị trấn là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất với 61 lồng bè nuôi cá của 43 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng lượng cá chết là 5,9 tấn cá trôi, trắm và các loại cá da trơn khác.
Đâu là nguyên nhân?
Anh Ngô Văn Bình (trú khu phố Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng) cho biết: Không chỉ cá nuôi lồng, hiện nay hến tự nhiên ở dưới đáy sông, dưới chân lòng hồ thủy điện Bá Thước 1 cũng đang chết rất nhiều. Dẫn chúng tôi đi thực địa, anh Bình kéo lưới, vớt lên hàng loạt vỏ hến ngả màu sẫm đã chết ở dưới lòng sông. Anh Bình nhận định, ngoài khả năng cá chết do bị thiếu oxy, có khả năng do nguồn nước bị ô nhiễm, cần được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá nuôi lồng, cá tôm, các loài thủy sinh chết hàng loạt trên sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước như vậy?
Ông Trương Công Tuấn - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 22 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó, có 11 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã và 5 cơ sở sản xuất hộ gia đình. Từ năm 2021 đến nay, do không bảo đảm tốt về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động ngâm ủ bột giấy vàng mã nên 8 cơ sở đã bị buộc phải dừng hoạt động. “Vừa qua, có thông tin người dân quay được video xả thải tại khu vực bờ sông Mã, gần một cơ sở chế biến lâm sản của một hợp tác xã. Phòng TNMT cũng đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện lập Đoàn kiểm tra” - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, khi xuất hiện thông tin cá lồng vùng hạ du huyện Bá Thước chết hàng loạt, cũng có đoàn của tỉnh lên kiểm tra trước đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng do Phòng không được tham gia trong thành phần đoàn nên không nắm được thông tin sự việc. Đối với việc quản lý Nhà nước trên địa bàn, ông Tuấn cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, cũng chưa có đợt kiểm tra nào đối với các cơ sở chế biến lâm sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), UBND huyện Bá Thước cho biết: Từ ngày 20/3 đến nay, trên địa bàn huyện có 3 đợt cá chết. Đợt 1 xảy ra từ ngày 20/3 - 22/3, cá chết ở lòng hồ thủy điện thuộc thị trấn Cành Nàng, thiệt hại khoảng 71kg; đợt 2 từ ngày 6/4, xảy ra tại các vùng nước ít lưu chuyển thuộc các xã Ái Thượng và Điền Lư, thiệt hại khoảng 400kg; đợt 3 từ ngày 27/4 đến nay, xảy ra tại 7 xã thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1 và Thủy điện Bá Thước 2 với tổng thiệt hại trên 10,9 tấn.
Ông Tâm khẳng định: Ngay khi tình trạng cá chết xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo Phòng NNPTNT phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn của tỉnh tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xác định nguyên nhân tại hiện trường. Tuy nhiên, tình trạng cá chết vẫn tiếp tục xảy ra và tăng về khối lượng. Đặc biệt, từ ngày 27/4 đến nay, ngoài cá nuôi lồng còn có hiện tượng cá tự nhiên ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ, chết.
Do đó, UBND huyện Bá Thước đã báo cáo đề xuất với Sở TNMT và Sở NNPTNT tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy 3 mẫu cá để xét nghiệm bệnh và 6 mẫu nước để xét nghiệm một số chỉ tiêu môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Căn cứ vào kết quả kiểm tra và tình hình thực tế, Sở NNPTNT đã chỉ đạo UBND huyện Bá Thước hướng dẫn hỗ trợ người dân di chuyển lồng nuôi sang nơi có dòng chảy, các khu vực nước sạch khác trên sông hoặc di chuyển cá khỏi lồng bè vào các ao để khoanh nuôi; tăng cường oxy bằng các biện pháp đảo nước, bơm nước hoặc sục khí tạo oxy.
( Theo https://daidoanket.vn/ca-nuoi-long-chet-hang-loat-tren-song-ma-10279114....)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận