Bạo lực đường phố gia tăng - làm sao ngăn chặn?
Thời gian qua xảy ra không ít vụ hành hung dã man người khác trên đường phố chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Một số người lý giải: Do nạn nhân quá lành, không dám chống trả nên bị hành hung. Có người lại cho rằng: Do xã hội quá thờ ơ, vô cảm với hành vi côn đồ nên kẻ xấu không biết sợ. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp chấm dứt nạn bạo lực đường phố đang có xu hướng gia tăng?
Thực trạng đáng buồn
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 người có hành vi cố ý gây thương tích đối với một thiếu nữ 17 tuổi (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, do có mâu thuẫn liên quan đến tình ái, hai thiếu nữ rủ thêm nhiều người rồi hẹn nhau ra quán nước “nói chuyện”. chưa được mấy câu, hai bên xảy ra cãi vã, xô xát nên bị chủ quán đuổi ra ngoài. Mọi việc như vậy tưởng là xong, ai ngờ họ tiếp tục kéo nhau đến nơi khác để “giải quyết”. Chỉ đến khi thiếu nữ tên A.T bị đánh hội đồng đến bầm giập, phải nhập viện cấp cứu, mọi việc mới dừng lại.
Nếu như hai thiếu nữ trên do ghen tuông mà “gọi hội” để giải quyết mâu thuẫn với nhau, thì vụ việc xảy ra ở phố Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại hoàn toàn khác. Một phụ nữ trên đường đi đón con thì gặp cô gái dắt theo con chó to (khoảng 25-30kg) không rọ mõm, còn để chó vệ sinh bậy ra đường nên đã lên tiếng nhắc nhở. Thay vì tiếp thu rút kinh nghiệm, cô gái nọ đã có lời qua tiếng lại, cãi vã với người phụ nữ. Chưa dừng lại ở đó, sau đó gia đình của cô gái còn đến chờ ở cổng nhà người phụ nữ để “nói chuyện”. Thấy xe của người phụ nữ về đến nơi, cả hai mẹ con cô gái chạy ra chặn đầu, nhổ nước bọt vào mặt và liên tục dùng cùi chỏ đánh vào mặt và mũi người phụ nữ. Tệ hơn nữa, dù đánh nạn nhân đến mức gãy mũi, nhưng người mẹ của cô gái này không hề cảm thấy hối hận về hành vi bạo lực của mình, mà còn đăng lên mạng xã hội khoe “chiến tích”.
Bạo lực đường phố không chỉ dừng lại ở sự ghen tuông, chua ngoa, đanh đá không ai nhường ai của phái nữ như hai trường hợp kể trên. Sự ngạo ngược, thích bạo lực còn diễn ra thường xuyên hơn với “phái mạnh” muốn thể hiện “máu yêng hùng”. Mới đây, chỉ vì một thanh niên đỗ xe ô tô trước cửa rạp đám cưới chậm rời xe đi đã bị ông chủ ra tay “dạy dỗ” bằng hàng loạt nắm đấm vào mặt anh này. Cũng may, mọi người tới can ngăn nên thanh niên lái xe bỏ đi, chưa xảy ra sự cố gì đáng tiếc. Hay như trước đó một thanh niên ở tỉnh Tuyên Quang và một thanh niên khác ở tỉnh Quảng Bình cũng đã bị cơ quan công an của hai tỉnh này khởi tố, bắt giam về hành vi giết người. Nguyên nhân của những vụ việc đau lòng này chỉ xuất phát từ những vụ va chạm giao thông nhỏ nhặt trên đường.
Vì sao bạo lực “lên ngôi”?
Người xưa từng nói: Dĩ hòa vi quý. Điều đó có nghĩa mọi sự đều có thể giải quyết một cách ôn hòa, không nhất thiết phải dùng đến bạo lực. Khi xảy chuyện, nếu mọi người có thể bình tĩnh nói chuyện tử tế với nhau, chắc chắn sẽ đưa ra được giải pháp ổn thỏa, không dẫn đến xung đột để rồi một bên thì nhập viện, còn bên kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, đâu phải ai cũng có thể dùng “cái đầu lạnh” để suy nghĩ khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Trong cuộc sống cũng như khi lưu thông trên đường, mỗi khi xảy ra va chạm hay xung đột về lợi ích, thường người ta sẽ dễ nổi nóng, “máu dồn lên mặt” và thích dùng nắm đấm để giải quyết. Tuy nhiên, họ không hiểu một chân lý hết sức đơn giản, đó là khi xảy ra tranh chấp bằng vũ lực, không có bên nào thắng cả, dù ít hay nhiều thì cả hai bên đều sẽ bị tổn thương về thể xác, tinh thần và có thể phải bị xử lý bằng pháp luật.
Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Đã ẩu đả, thì có thể gây ra thương tích, chưa kể có thể bị xử lý hình sự tại sao một số người lại “tự nguyện” “nhảy vào hố lửa” đến vậy? Để phần nào đưa ra đáp án, chúng ta hãy cùng phân tích vấn đề. Như đã nói ở trên, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, một số người có cảm giác “bốc hỏa”, chỉ muốn “dạy dỗ” đối phương cho thỏa cơn giận. Do đó, khi xảy chuyện thay vì bình tĩnh đàm phán để giải quyết vấn đề, một số người thích sử dụng tay chân để “nói chuyện” mà không hề cân nhắc đến hậu quả. Chẳng thế người xưa mới có câu: Nóng giận mất khôn. Chỉ đến khi cơn nóng giận đã qua đi họ mới cảm thấy ân hận vì hành vi mình đã làm.
Giải thích cho những “cơn nóng giận” bột phát của một số ít người khi xảy ra mâu thuẫn, các chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân xuất phát chính là từ tâm lý hiếu thắng của mỗi cá nhân trước người khác.
( Theo https://daidoanket.vn/bao-luc-duong-pho-gia-tang-lam-sao-ngan-chan-10300...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận