Ngày hội của tình đoàn kết dân tộc
Hơn 3.000 khách mời, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thuộc các ngành Mông trong cả nước tham gia đã cùng với đồng bào các dân tộc Lai Châu tạo nên một ngày hội thực sự ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 tại Lai Châu đã thành công tốt đẹp và đã đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đề ra. Hơn 3.000 khách mời, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thuộc các ngành Mông trong cả nước tham gia đã cùng với đồng bào các dân tộc Lai Châu tạo nên một ngày hội thực sự ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.
Đúng như chủ đề đưa ra là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu kết thúc đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng người Mông và các dân tộc khác. Dù nhiều ngành Mông đến từ nhiều địa phương khác nhau, với những sắc màu, lễ hội riêng biệt, nhưng tựu chung sau ngày hội, những cái riêng ấy đã hòa quyện trong sắc màu văn hóa Việt Nam.
Nghệ nhân Hoàng Văn Sinh, thuộc ngành Mông trắng đến từ huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Tham gia ngày hội, ông đã được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi nhiều. Bản thân ông sẽ tiếp tục gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, cùng người Mông cả nước hướng tới sự phát triển.
Về ngày hội tất cả anh em người Mông trong toàn quốc trò chuyện với nhau rất là vui vẻ. Về phong tục tập quán của người Mông trắng, tôi mang về ngày hội lễ hội Gầu tào năm mới, để giới thiệu với tất cả bạn bè trong lễ hội này, để tất cả mọi người đều biết phong tục, tập quán của người Mông mình là như thế. Năm mới sắp đến, tôi mong muốn tất cả người Mông đều được ăn tết vui vẻ và mạnh khỏe, hạnh phúc.
Được đặt chân tới Lai Châu và được tham dự một ngày hội lớn, nghệ nhân khèn Mông Vương Văn Lợi đến từ tỉnh Cao Bằng không dấu được niềm vui khi được gặp gỡ nhiều bạn bè và học hỏi kinh nghiệm bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Lợi chia sẻ: "Tôi từ đoàn Cao Bằng về ngày hội trình diễn tiết mục văn nghệ múa khèn. Anh em thấy rất vui mừng vì được giao lưu với các tỉnh và được học hỏi, thăm nhau. Vui lắm, vui là Đảng và Nhà nước tổ chức được một ngày hội như thế này là các dân tộc được gặp nhau và các thành viên các tỉnh đều rất vui mừng."
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với những nỗ lực của Ban Tổ chức, nhất là tỉnh đăng cai là Lai Châu, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III đã diễn ra thành công và hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đã thắt chặt tình đoàn kết dân tộc của các ngành Mông trong thể thống nhất văn hóa cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ông Lương Chiến Công, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Ngày hội đã giúp mỗi người ở mỗi dân tộc thêm hiểu nhau hơn, thêm trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, đồng bào Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung thêm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
"Ngày hội đã thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Lai Châu muốn gửi gắm thông điệp là Lai Châu luôn chào đón du khách muôn phương. Các dân tộc của Lai Châu luôn kề vai, sát cánh cùng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn.", ông Công nói.
Dù đã chính thức khép lại, nhưng Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III đã, đang mở ra một khí thế mới về niềm tin, khát vọng vươn xa của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận