Xuất hiện nhiều ổ dịch mới ở cộng đồng, nhiều nơi điều chỉnh, nâng cấp độ dịch
Trong ngày 6/11, cả nước có hơn 3.000 ca cộng đồng trên tổng số 7.480 ca COVID-19 trong nước. Nhiều tỉnh, thành điều chỉnh kế hoạch giám sát, xét nghiệm sàng lọc và nâng cấp độ chống dịch cao hơn.
Tính từ 16h ngày 5/11 đến 16h ngày 6/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 7.480 ca ghi nhận trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.108 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (giảm 203), Bình Thuận (giảm 93), Đắk Nông (giảm 76).
(Ảnh minh họa)
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (tăng 132), An Giang (tăng 79), Cà Mau (tăng 77).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.349 ca/ngày.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Trong ngày 6/11, TP Hà Nội ghi nhận ổ dịch mới là Yên Xá, Tân Triều, với tổng cộng 14 ca nhiễm mới đều từ cộng đồng. Ca nhiễm chỉ điểm của ổ dịch này là anh Đ.V.M. (20 tuổi, có địa chỉ tại Tổng cục 5, Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì). Người này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện triệu chứng và được xét nghiệm sàng lọc. 13 người còn lại liên quan ổ dịch này đều là F1 của anh M.
Tại Quảng Ninh, bắt đầu từ 12h ngày 6/11, trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh lập chốt kiểm soát người và phương tiện di chuyển từ 2 địa phương trên.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ vận động quay đầu đối với người và phương tiện có hộ khẩu tại thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều khi di chuyển qua chốt để vào thành phố Hạ Long. Đối với người và phương tiện có hộ khẩu không phải ở 2 địa phương trên và đang làm việc, học tập tại đó, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn khai báo sức khỏe tại trạm y tế phường Đại Yên và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trước tình hình số ca mắc chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng có xu hướng tăng, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát, sàng lọc ca mắc Covid-19.
Trong 2 ngày qua, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó riêng ngày 6/11, ghi nhận 21 ca, trong đó có 4 ca cộng đồng. Trong số những ca mắc Covid-19 chưa cách ly mới ghi nhận, đa số do người bệnh thấy triệu chứng, tự đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Trước tình hình số ca mắc chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng có xu hướng tăng, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát, sàng lọc ca mắc Covid-19.
Từ ngày 27/10 đến ngày 5/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 194 ca mắc Covid-19, trong đó, 66 ca liên quan đến các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Trong đó nhiều ca F0 ghi nhận tại trường học, nhiều giáo viên, học sinh liên quan đến các yếu tố dịch tễ F1, F2... ở một số cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, hơn 90 trường với gần 35.000 học sinh trong tỉnh được chuyển sang học trực tuyến và học qua truyền hình, toàn bộ học sinh mầm non được nghỉ học. Các địa phương có số trường dừng học trực tiếp nhiều nhất là huyện Quảng Điền, thành phố Huế.
Do dịch bệnh tăng cao, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL quyết định nâng mức độ cao hơn để kiểm soát dịch bệnh, các quán ăn chỉ phục vụ mang về.
Tại tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát hiện trường hơn F0 ngày càng tăng cao, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 ca mắc mới, hàng chục khu vực hiện nay đang được phong tỏa. Trước tình hình này, sở Y tế tỉnh Vĩnh Long thông báo nâng cấp độ dịch ở một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cấp tỉnh giữ nguyên cấp độ 2, cấp huyện có các địa phương: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân, thị xã Bình Minh phân loại cấp 2, TP Vĩnh Long phân được nâng lên cấp độ 3. Cấp xã có 4 đơn vị nâng lên cấp độ 4 gồm: Phường 1, Phường 4, Phường 9 - TP. Vĩnh Long và thị trấn Cái Nhum, Huyện Mang Thít.
Tỉnh Vĩnh Long cũng thông báo tạm dừng phục vụ các dịch vụ ăn uống tại TP Vĩnh Long để lực lượng y tế xét nghiệm, truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh trong ngày 6 và 7/11.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Trà Vinh, tình trạng dịch bệnh của toàn tỉnh hiện nay đang ở cấp độ 2, riêng huyện Duyên Hải ở cấp độ 3 và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện chùm ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó có nhiều trường hợp đã tiêm vaccine đủ 2 mũi.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nguyên tắc 5K; quét mã QR khi đến các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học…, không tụ tập tập đông người khi không thật sự cần thiết. Các trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú phải thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận