Truyện ngắn: "Mùa hoa núi" - Thấm đẫm văn hóa vùng cao
“Mùa hoa núi” dẫn dắt người đọc, người nghe đến với không gian văn hóa vùng cao của người dân tộc Tày, Mông với những nét phong tục tập quán xưa cũ. Nhà văn Tống Ngọc Hân khai thác triệt để khía cạnh này với nhiều chi tiết, tình tiết hấp dẫn.
Nét đặc sắc của văn hóa vùng cao không chỉ thể hiện bởi phong tục, tục lệ. Với sự quan sát tinh tế, nhà văn đã miêu tả đặc sắc nhất trong văn hóa ấy là ứng xử giữa người với người, giữa người với vật, giữa người với thiên nhiên.
Truyện kể về một trong những mối ứng xử được cho là khó nói đến nhất, khó biểu hiện nhất, đó là ứng xử của những người đã từng yêu nhau. Sự ứng xử của hai người đàn ông một thời từng yêu một người phụ nữ, như mọi người thấy, phiên chợ cuối năm ở một bãi rừng trống trải hun hút gió, buốt lạnh nhưng mùi ly núi thì cứ ngào ngạt chiếm lĩnh bao phủ và tình người thì cứ ấm nồng như vậy.
Đâu đó trong cuộc đua của thời đại, những xoay vần, suy biến, mai một, vẫn có những điều đẹp đẽ như thế hiển hiện và việc của người viết là lan tỏa những giá trị ấy. Để làm nổi bật thông điệp của truyện, nhà văn đã đưa vào những phong tục tập quán một cách chọn lọc. Cụ thể ở đây là phong tục tìm hiểu, yêu đương và kết hôn. Mâu thuẫn của câu truyện cũng từ đây mà sinh ra. Cái khát vọng được làm chủ cuộc đời, được chọn lựa hạnh phúc của con người mỗi ngày mỗi lớn. Họ luôn muốn thoát khỏi sự sắp đặt, dù sau đó cuộc sống chông chênh, muôn phần khó khăn.
Cả hai người đàn ông đi qua đời Pằng rồi cũng đã lần lượt có vợ, có gia đình, tổ ấm. Chỉ mình Pằng, một mình đương đầu với nỗi bất hạnh. Mà hai người đàn ông ấy, nhìn xa, nghĩ sâu, đều thấy mình là người có lỗi, góp phần đưa đẩy Pằng đến hoàn cảnh hiện tại. Nên họ không thể quay lưng. Và dù, ban đầu có chút miễn cưỡng, nhưng rồi Pằng vẫn vui vẻ đón nhận những ân tình, chia sẻ ấy.
Truyện gửi gắm thông điệp nhân văn sâu sắc về tình đời, tình người nơi vùng núi cao điệp trùng mây gió…/.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận