Trẻ mồ côi do Covid-19 cần chính sách hỗ trợ “đường dài”
Hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì Covid-19. Con số chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Những đứa trẻ mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ sẽ vượt qua những khủng hoảng ấy như thế nào?
Cách đây 4 tuần:
- Bác sĩ ơi! Cố gắng cứu em! Chồng em cũng nặng lắm! 4 đứa con tụi em còn nhỏ lắm!!
4 ngày sau đó:
Nay em đỡ đỡ rồi bác sĩ….. nhưng chồng em mất rồi!
Bác sĩ bần thần im lặng…động viên chị.
3 ngày sau đó suy nghĩ mãi có nên đặt nội khí quản cho chị không? Cố gắng, cố gắng …, trong 3 ngày đó cố gắng tìm ECMO cho chị…, nhưng….!
4 ngày sau đó: hàng nghìn trẻ mồ côi ở TP.HCM có 4 đứa con anh chị!
Đến giờ vẫn còn ám ảnh câu nói trong hơi thở ngắt quãng trước khi đặt nội khí quản: “Bác sĩ ơi, cố cứu em, em còn 4 đứa con…."!
Những dòng nhật ký của Bác sĩ Hồ Hoàng Kim, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để lại nhiều cảm xúc cho tất cả chúng ta. Khó khăn thử thách giờ đây không chỉ còn là phương tiện y tế mà còn là những cú sốc về tâm lý và tinh thần.
Mất mát đau thương giờ đây là những điều mà người ở lại phải đối diện. Những đứa trẻ mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ sẽ vượt qua những khủng ấy như thế nào? Theo Ths Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững, điều cần nhất lúc này là dành thời gian, sự kiên nhẫn và yêu thương để trẻ có thể cảm thấy an toàn, dần bộc lộ cảm xúc của mình và có thể vượt qua.
Dành cho trẻ thời gian, sự kiên nhẫn và yêu thương
Người chăm sóc trẻ sẽ cần phải hiểu rằng, phản ứng của trẻ khi người thân qua đời tùy thuộc vào độ tuổi và trải nghiệm cuộc sống trước đó của trẻ. Mỗi trẻ sẽ có một phản ứng khác nhau theo độ tuổi, khả năng nhận thức của các em hay là văn hóa và môi trường mà trẻ sống.
Trẻ dưới 5 tuổi không hiểu rằng cái chết là vĩnh viễn. Trẻ chỉ nghĩ rằng cha mẹ hay người thân đi vắng có thể quay trở về bất kỳ lúc nào. Trẻ sẽ chưa có nhiều cảm xúc như đau buồn nhưng lại mong ngóng cho đến khi bắt buộc phải quen với tình trạng mới.
Từ 6-11 tuổi trẻ bắt đầu hiểu rằng người chết không thể quay trở lại được nữa, đã biết đau buồn và sẽ kèm theo lo sợ sẽ mất đi những người thân khác xung quanh.
Còn ở độ tuổi lớn hơn là thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên thì các em biết đau buồn, mất mát và có thể sẽ chuyển thành sự tức giận, buồn bã tột độ, cái cảm giác bất lực hoặc mong muốn tìm lý do của sự việc. Em sẽ có xu hướng trút nỗi niềm ra bên ngoài, gây hấn hoặc là bất cần.
Từng độ tuổi, từng hoàn cảnh, từng nhận thức thì người chăm sóc trẻ cần hiểu tâm sinh lý của trẻ và hãy đảm bảo rằng cảm xúc nỗi buồn nó là điều tất yếu. Cơn sốc có thể hiểu được và chấp nhận giai đoạn này. Thời gian có thể trôi đi và trẻ em có thể đối diện với hoàn cảnh của mình.
Những tổn hại không chỉ dừng lại ở mặt tâm lý
Mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ phải chịu đựng không chỉ những tổn hại về tâm lý, mà điều kiện sống, điều kiện môi trường cho trẻ lớn lên cũng chịu những tác động nhất định.
Những vấn đề này cần sớm được nhìn nhận và có các chính sách phù hợp – Ths Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững nhấn mạnh.
Theo Ths Nguyễn Phương Linh, mặc dù chúng ta liên tục có những chính sách thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên vẫn còn chậm, chính sách và hướng dẫn vẫn chạy theo dịch, nghĩa là khi phát hiện các vấn đề với trẻ em như các em đi cách ly không có người chăm sóc, không có quần áo thực phẩm thì chúng ta mới đáp ứng. Trẻ bị ảnh hưởng tinh thần thì chúng ta mới nghĩ cách.
Trong tiến trình chống dịch thì quyền và lợi ích của trẻ em phải đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu chứ không vì yếu tố khác mà đẩy lùi thứ tự.
Cần thảo luận sớm các chính sách hỗ trợ đường dài, chính sách cần hệ thống, hỗ trợ toàn diện, chăm sóc thay thế, hỗ trợ kinh tế và chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ. Các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng tham vấn với các bên liên quan các tổ chức xã hội làm về trẻ em để có chính sách hỗ trợ ngắn và dài hạn càng sớm càng tốt – là những đề xuất của Ths Nguyễn Phương Linh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận