TP.HCM: Vì sao gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc?
"Lý do nhân viên y tế nghỉ việc, chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói trong kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 8/12.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thành phố có chỉ số 20 bác sĩ/vạn dân, cao gấp đôi cả nước. Nhưng nhìn ra các nước xung quanh, chỉ số của họ dao động 36-44-62/vạn dân. Như vậy, chỉ số này vẫn còn thấp so yêu cầu. "Thực tế chỉ ra bình thường không thiếu nhưng khi dịch bùng phát lên thì rất thiếu bác sĩ", ông Thượng nói.
Việc phân bổ y tế thì y tế cơ sở của thành phố thuộc diện thấp nhất cả nước, có 2,3 nhân viên y tế/vạn dân. Bình thường không thấy nhưng khi dịch bùng phát thì thấy rất rõ sự phân bố nhân viên y tế cơ sở quá thấp.
Năm nay, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái. “Lý do nghỉ việc chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”, ông Thượng nói.
Về giải pháp, ông Thượng cho biết ngành y tế đã xây dựng đề án gửi Thường trực UBND TP.HCM các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao y tế cơ sở.
Cụ thể, về giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Ngành y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương. Bác sĩ nhận thêm khoản bằng 1,5 lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, TP.HCM đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng.
Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, ông Thượng cho biết Sở Y tế đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp. Hiện theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Nay ngành y tế kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng ở bệnh viện. Điều này có lợi cho cả 2 phía. Bác sĩ mới tốt nghiệp về cơ sở gần dân hiểu dân thì sau này công tác thuận lợi hơn. Thứ 2 là có lợi cho trạm y tế, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ luân phiên xuống trạm y tế vừa công tác vừa thực hành.
“Để bác sĩ an tâm, kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống y tế cơ sở, mỗi tháng nhận khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, không phải đóng tiền thực hành. Rất mong đề xuất này thành hiện thực để lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ trẻ khám chữa bệnh cho người dân”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng mong mỏi./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận