Thu phí BOT giao thông: Con voi đang chui lọt lỗ kim?
Những nghi vấn chủ đầu tư “khai man” doanh thu thu phí BOT, cao tốc là câu chuyện “con voi đang chui lọt lỗ kim” đối với cơ quan quản lý.
- Tổng kiểm tra việc thu phí trên các tuyến cao tốc của VEC
- Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Bị cướp mới... lộ tiền thu phí
Thu phí đường bộ tự động không dừng có thể giúp minh bạch doanh thu các trạm thu phí, rút ngắn thời gian xe dừng trả phí và sẽ không xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền lẻ trả phí... Nhiều lợi ích, nhưng hiện tại tiến độ triển khai chậm do gặp nhiều vướng mắc, một số nhà đầu tư BOT "ngại" minh bạch, không hợp tác.
Doanh thu thu phí BOT, cao tốc đang trong tình trạng doanh nghiệp khai bao nhiêu cơ quan quản lý biết bấy nhiêu, khi việc kiểm tra chỉ mang tính định kỳ vài năm/lần. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có đủ “chiêu” gian lận, che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí.
Đặc biệt, sau vụ việc cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra.
Sau vụ cướp tiền tại trạm thu phí trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây gây nhiều tranh cãi số thu phí thực tế. Những nghi vấn chủ đầu tư “khai man” doanh thu thực tế trên tuyến này cũng đã được đặt ra.
Đã có “phần mềm” gian lận tính phí BOT
Việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương kéo dài từ 2015 nhưng đến nay, cơ quan điều tra mới có thể phát hiện, xử lý. Hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị bắt vì hành vi thuê chuyên gia về công nghệ thiết kế phần mềm song song nhằm ăn gian doanh số thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo kết quả điều tra bước đầu, phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. Khi các phương tiện qua trạm thì nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.
Dựa trên lượng phương tiện hàng ngày di chuyển qua tuyến đường huyết mạch này, số tiền Công ty Yên Khánh gian lận được trong gần 4 năm qua chắc hẳn phải là con số khổng lồ.
Trước đó, năm 2016, sau tố cáo của một nhà đầu tư trong liên danh là Cienco1 tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã vào giám sát 10 ngày tại dự án này, kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là gần 600 triệu đồng/ngày. Một ngày trạm BOT này thu được hơn 1,9 tỉ đồng nhưng trong báo cáo Tổng cục ĐBVN và các cổ đông, chỉ khai ở mức 1,2 - 1,4 tỉ đồng/ngày.
Vụ cướp 2,2 tỉ đồng trong két sắt tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi giao ca, cũng để lại nhiều dấu hỏi về số tiền thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc này là bao nhiêu, liệu có chênh lệch con số báo cáo của VEC? Dù đại diện chủ đầu tư là VEC khẳng định việc tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm được thực hiện đúng quy định, có giám sát của TCĐB, Bộ GTVT.
Câu hỏi đặt ra là việc giám sát thu phí đường bộ của cơ quan quản lý đã được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hay chưa?
Chủ BOT tha hồ “múa”, vì 5 năm mới giám sát định kỳ 1 lần
Theo quy định, việc giám sát, kiểm tra thu phí BOT, các tuyến cao tốc đang do Tổng cục ĐBVN đảm nhận.
Tuy nhiên, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục ĐBVN cho biết, việc giám sát từ trước tới nay theo hình thức giám sát định kỳ, đột xuất.
“Tổng cục ĐBVN tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần, vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước. Vụ Tài chính chỉ có 13 người, kiểm tra việc sao dữ liệu thì Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cũng chỉ có 5 người làm không xuể”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, việc kiểm tra chỉ thực hiện bề ngoài như kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ. Theo Thông tư 49, dữ liệu phải lưu 5 năm/lần, Tổng cục ĐBVN sẽ kiểm tra xác suất số liệu báo cáo so với số liệu lưu trữ…
“Nhưng nếu DN sử dụng công nghệ cao, cài phần mềm thì chúng tôi cũng không biết được. Phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra được, ví dụ như gian lận thu phí ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhiều cuộc giám sát Tổng cục ĐBVN phải mời cả phía bên công an để phát hiện ra gian lận”, ông Toàn cho hay.
Khai thấp tiền thu phí là hành vi chiếm đoạt tài sản Nhà nước
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện thu nhiều thu ít phí của các dự án BOT thực chất là gian lận.
Vấn đề là gian lận ít thì khó phát hiện, còn gian lận lớn phát hiện được rồi cũng chìm xuồng. Đơn cử như vụ việc ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây. “Vụ việc ở Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đưa những người đứng đầu sai phạm ra xử lý, bản chất là tham ô, số tiền gian lận lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ chứ không ít”, ông Đức nói.
Đặc biệt, sau vụ việc, cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra. Hay như đến nay, tranh cãi số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng vẫn chưa dừng lại ngay cả khi doanh nghiệp dự án lên tiếng giải thích.
Bình luận về lý giải của doanh nghiệp cho rằng, số tiền đó được thu trong nhiều ngày, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chẳng có doanh nghiệp nào điên mà để cả đống tiền hàng tỷ đồng như vậy ở trạm thu phí.
“Trạm thu phí là chỗ rất phập phù, an ninh không đảm bảo. Trạm nằm ngoài đường cao tốc, xe cộ qua lại nườm nượp, không dại gì mà để tiền nhiều ở đó. Chưa nói, nếu bài bản thì doanh nghiệp phải hợp tác với ngân hàng để chuyển tiền về gửi cho an toàn”, Luật sư Đức nói.
Trên cơ sở đó, ông Đức nhận định, khả năng rất cao là doanh nghiệp thu nhiều nhưng khai nộp ít, nếu đúng như vậy sẽ là chiếm đoạt, chiếm đoạt tài sản nhà nước chứ không còn là hành vi gian lận.
Với việc triển khai đồng loạt thu phí tự động trên cả nước, theo Luật sư Trương Thanh Đức sẽ đảm bảo minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại dù ít hay nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách để “ăn” tiền của dân.
Cần sớm thanh tra toàn diện việc thu phí BOT
Việc các nhà đầu tư BOT viện lý do chưa triển khai thu phí tự động theo luật sư Trương Thanh Đức, bản chất vẫn là câu chuyện lợi ích nhóm, càng trì hoãn càng tốt cho họ.
“Giai đoạn đầu khi triển khai sẽ lộ ra nhiều bất cập, gian lận trong thu phí trước đây, và quan trọng nhất là... doanh nghiệp “không được ăn nữa”. Do đó, nhiều chủ đầu tư BOT sẽ tìm cách chống đối, chây ì chưa triển khai thu phí tự động”, ông Đức chia sẻ.
Còn PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các trạm thu phí đều viện mọi lý do để chậm trễ thực hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng.
Theo ông Long, thực tế hiện nay chi phí, cách thức thu tại các trạm thu phí đều được doanh nghiệp công khai thông qua các số liệu từ sổ sách, chứng từ, nhưng chưa minh bạch. doanh nghiệp vẫn tìm đủ cách này đến cách khác để gian lận. Nguyên nhân giấu doanh thu là để trốn áp lực từ cơ quan nhà nước và xã hội, sợ phải giảm giá, giảm thời gian thu phí.
Bên cạnh đó, tạo quỹ đen, tư lợi, lợi ích nhóm và trốn thuế. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt mánh khóe, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng này.
Cũng theo chuyên gia này, để xảy ra tình trạng các trạm thu phí vẫn ngang nhiên vi phạm, gian lận, bên cạnh năng lực yếu kém, nguyên nhân chính vẫn là cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý.
Về nguyên tắc, nguồn thu trong ngày của các trạm thu phải nộp vào ngân hàng, kho bạc, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Việc kiểm soát phương tiện nếu không đủ nhân lực, không làm được bằng thủ công thì có thể sử dụng công nghệ, dùng các phần mềm hoặc phối hợp với các cơ quan khác tìm ra giải pháp tối ưu. Không thiếu cách để làm, chủ yếu là cơ quan chức năng có thật sự làm khách quan, công tâm hay vẫn còn uẩn khúc, còn bị chi phối bởi các lợi ích nhóm bên trong.
“Tổng cục ĐBVN cùng Bộ GTVT phải nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm soát không chỉ với Trạm thu phí TPHCM - Long Thành - Dầu Giây mà với tất cả các trạm thu phí khác trên toàn quốc. Nếu không tìm ra được, để xảy ra hậu quả phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần tận dụng các lực lượng khác trong xã hội, phương tiện thông tin đại chúng để cùng nhau phát giác các hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả hoạt động thanh tra cũng phải công bố minh bạch để chính người dân giám sát”, ông Long đề xuất./.
Phi Long/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận