Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Vi phạm, không đủ tư cách làm nhà giáo
Qua quy định "sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" cho thấy, Bộ GD-ĐT cần xem lại quy trình soạn thảo văn bản để tránh sai sót.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy do Bộ ban hành. Trong đó, có quy định "sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" đang gây nhiều tranh cãi.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến về vấn đề này.
PV: Ông có thể cho biết quan điểm của mình khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo đề cập việc "sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học". Dự thảo này đưa ra, ngay sau đó được Bộ GD-ĐT rút lại?
Ông Phạm Tất Thắng: Đó là dự thảo, văn bản chuẩn bị lấy ý kiến, có thể do các bộ phận chức năng của Bộ GD-ĐT làm. Sau khi có ý kiến dư luận xã hội và chuyên gia, Bộ GD-ĐT đã rút dự thảo khỏi trang thông tin của Bộ. Tôi cho rằng, đó là cách xử lý cầu thị, hợp lý.
Văn bản dự thảo có điểm chưa phù hợp. Việc xử lý văn bản dự thảo có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật. Đây là điều không đáng có. Theo tôi, văn bản dự thảo khi đã công bố trên trang thông tin chính thức của Bộ GD-ĐT phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, khi công bố ra thì dự thảo phải tương đối hoàn thiện, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, không mâu thuẫn với các văn bản tiền lệ.
Các bộ phận xây dựng dự thảo cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị các văn bản hướng dẫn.
PV: Thưa ông, với những sinh viên sư phạm bán dâm nêu trong dự thảo nên quy định xử lý như thế nào cho hợp lý?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi thấy ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, về mặt pháp lý, quy định như dự thảo không phù hợp. Bởi việc bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học, những lần vi phạm trước sẽ có các mức xử lý khác. Khi xử lý đều phải công bố quyết định xử lý kỷ luật. Các chuyên gia đều cho rằng, đó là vi phạm quyền con người. Pháp luật cũng không quy định phải công khai nhất là trong trường học.
Mặt khác, theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, lỗi như trong dự thảo cũng là xử lý vi phạm hành chính, không phải xử lý ở các hình thức khác. Nhưng nếu xử lý vi phạm hành chính thì đuổi học cũng có thể coi là một biện pháp.
Môi trường sư phạm rất đặc biệt. Lỗi này mặc dù quy định xử lý hành chính cũng đặc biệt trong môi trường giáo dục vì nó liên quan đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, liên quan đến người thầy sau này nên quy định đó dù là dự thảo thì cũng không phù hợp.
Trong môi trường giáo dục sư phạm thì những vi phạm như vậy đối với sinh viên đã là không đủ tư cách làm người thầy trong tương lai.
Cần xem xét lại quy trình để tránh sai sót
PV: Bên cạnh những phản bác điểm sai trong dự thảo cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng văn bản phải qua nhiều bước nên có thể có lỗ hổng. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Quy trình thuộc chuyện nội bộ của Bộ, nhưng khi đã đưa văn bản lấy ý kiến dư luận phải phù hợp với thực tế và các quy định khác.
Đây không phải lần đầu tiên một dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên các cơ quan quản lý phải chuẩn bị chu đáo.
Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gây tranh cãi là thuật ngữ “Thu giá” trong Luật Giáo dục sửa đổi. Văn bản khi đã công khai lấy ý kiến dư luận phải thực hiện đầy đủ quy trình cần thiết để đảm đảo chất lượng. Sự cố không phải lần đầu tiên nên rõ ràng cần xem xét lại quy trình để tránh sai sót trong tương lai.
PV: Theo ông, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ trong xây dựng dự thảo như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Bộ GD-ĐT cần xem lại quy trình xây dựng dự thảo đã phù hợp hay chưa. Có lẽ không nên yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả các công việc của Bộ mình vì bên cạnh Bộ trưởng còn bộ máy giúp việc, hoàn toàn có thể uỷ quyền cho các Thứ trưởng.
Đây cũng là văn bản dự thảo, Bộ trưởng có thể uỷ quyền cấp nào đó xem xét trước khi công bố.
Tất nhiên, trong ngành có vấn đề gì thì trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu nhưng trách nhiệm đó tuỳ theo tính chất công việc, theo phân công uỷ quyền của Bộ GD-ĐT.
Quy định này đã có từ năm 2016 dành cho sinh viên chính quy. Khi ban hành văn bản quản lý phải hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với các văn bản trước đó.
Trước đây, chúng ta chưa phát hiện ra bất cập, giờ có dự thảo mới phát hiện ra có sự bất cập thì Bộ phải xem xét, nếu chưa phù hợp phải sửa đổi. Tất nhiên, trong quá trình sửa đổi để xảy ra như thế, Bộ GD-ĐT cần quy trách nhiệm cho bộ phận được giao trách nhiệm soạn thảo.
Qua vụ việc này, chúng ta không nên vì một sự kiện mà đánh giá kết quả của một Bộ ngành nào đó. Tuy nhiên, việc ban hành một văn bản quản lý mà sai sót là không đáng có./.
Bích Lan/VOV.VN (ghi)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận