Những điểm chết người trên tuyến đường mới Hòa Bình-Hòa Lạc
CSGT Hòa Bình cảnh báo trên tuyến đường mới Hòa Bình – Hòa Lạc xuất hiện nhiều đường ngang dân sinh là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông
Tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình cách đây vài tháng được chính thức thông xe đi vào sử dụng góp phần rút ngắn hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình, đáp ứng nhu cầu giao thông kết nối các tỉnh khu vực Tây Bắc với Hà Nội, tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long trục giao thông kết nối khu vực Tây Bắc nói chung và Hòa Bình nói riêng tuyến.
Theo thiết kế tuyến đường có tổng chiều dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, có vận tốc xe chạy tối đa 80 km/giờ.
Tuy nhiên, tuyến đường này mới đưa vào hoạt động nhưng đã bộc lộ những hạn chế mất an toàn cho phương tiện giao thông và cư dân lân cận hai bên tuyến đường bởi 2 bên đường nhiều nơi chưa hoàn thiện có rào chắn, nhiều đường ngang dân sinh dẫn thẳng ra đường chính.
Cảnh báo về việc đảm bảo an toàn giao thông của tuyến đường trên địa bàn Hòa Bình, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do quá nhiều đường dân sinh.
Thượng tá Hải phân tích, dân cư tuyến đường đi qua trước đây đa số là vùng sâu, vùng xa (vùng 135), nhận thức về giao thông hạn chế, quy tắc về giao thông người dân không nắm bắt được, quan trọng nhất là kinh nghiệm sống gần đường giao thông không có rất dễ va chạm tai nạn.
“Từ đường ngang lao ra đường chính không quan sát bởi khái niệm của người dân trừ khi không đi được còn đi được là cứ đi, thậm chí lao sang cả đường ngược chiều xong mới quay sang phần đường của mình. Chính vì thế rất cần phải có đường gom, hầm chui”- Thượng tá Hải nói.
Vị đại diện CSGT tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc thi công ở mức tiết kiệm nhất hậu quả để lại chính là sinh mạng của người tham gia giao thông phải trả giá.
Trưởng phòng CSGT Hòa Bình chia sẻ “Đối với tuyến đường này, tôi từng có ý kiến đóng góp tâm huyết của cá nhân, đề nghị phải có lực lượng chức năng làm công tác đảm bảo trật tự ATGT cùng tham gia vào thành phần hội đồng thẩm định phương án thi công và thẩm định thiết kế đường. Cho nên dẫn đến có một thực trạng thực tế hiện nay cứ đường nào thông mới đi vào hoạt động thì tai nạn lại bùng nổ, gia tăng bởi yếu tố an toàn của cung đường không được đề cập đến".
Với con đường này, tất cả đường đèo dốc trên tuyến đường, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu đều không có đường lánh nạn khi xảy ra sự cố kỹ thuật thì phương tiện và hành khách trên xe chỉ có còn đường…chết vì không làm đường thoát, lánh nạn.
Ông Hải đề nghỉ việc bổ sung đường lánh nạn là rất cần thiết. Thêm nữa đường mới dứt khoát không được phép đường ngang dân sinh đấu nối trực tiếp vào đường chính. Chỗ nào không đảm bảo an toàn phải làm cầu vượt. Hơn nữa, người dân ở đây là vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn sử dụng phương tiện cũ kỹ nên cũng là một nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn.
Lãnh đạo CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng khi yếu tố an toàn không được đề cập đến của nhà thi công, chủ đầu tư thì sinh mạng người dân chưa được đảm bảo./.
Đ. Hưng/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận