Nhất chi mai - thú chơi tao nhã và có giá "bỏng tay"
Nhất chi mai hay còn gọi là mai trắng, thuộc nhóm cây tứ quý, mang vẻ đẹp vừa thanh mỏng manh nhưng cũng rất đỗi mạnh mẽ, ngay thẳng, sức sống bền bỉ...
Tết đến xuân sang, người người lại đổ về làng hoa Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) để tìm đào phai, đào bích, nhưng nhiều khách sành chơi, lại về đây để săn lùng những gốc nhất chi mai đẹp, quý giá được người dân làng âm thầm trồng, lưu giữ bao đời nay.
Nhất chi mai vốn là loài hoa nằm trong nhóm tứ quý “tùng-cúc-trúc-mai”. Theo các bậc cao niên ở làng Nhật Tân, xưa kia, những gia đình sành chơi ở Hà Nội, nếu không phải là đào tiến vua thất thốn thì nhất định phải có nhất chi mai mới ra không khí Tết. Nhất chi mai là loài hoa vốn kén cả người chơi và cả người trồng, bởi vậy, mà đến nay chỉ còn vài gia đình trồng được nhất chi mai.
Có đến hơn 25 năm gắn bó với loài hoa quý, nghệ nhân Đỗ Văn Lan, người đang sở hữu nhiều gốc mai nhất ở làng Nhật Tân chia sẻ, thú chơi nhất chi mai đã ăn sâu vào văn hóa người Việt, đặc biệt là người Hà Nội. Theo quan niệm của người xưa, hoa mai tượng trưng cho mùa xuân, một nhành mai trắng nở sáng bừng cả không gian Tết.
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan, nhất chi mai là loài hoa đẹp, nhưng cũng rất kén người chơi, phải ai thực sự thích hoa, hiểu về hoa và văn hóa chơi hoa mới thấy hết được vẻ đẹp của một cây nhất chi mai. “Cũng bởi vậy mà có những người chơi mai đến 30 năm vẫn chưa biết hồn cây ở đâu”, ông Lan nói.
Trong văn hóa người Việt, cây mai vẫn được nhắc đến như một biểu tượng của phẩm chất người quân tử. Cành mai khẳng khiu, ngay thẳng, ngày thường trơ trụi chẳng khác nào cây củi khô, trải qua mùa đông lạnh giá, cây vẫn kiên cường, chỉ cần gặp vài giọt mưa xuân, mai lại trổ lộc, đơm hoa trắng tinh khôi. Ấy là sức sống tiềm tàng, vẻ đẹp rất đỗi thanh tao của loài hoa này. Cũng bởi vậy mà nhất chi mai được coi là “loài hoa quân tử”. Thú chơi mai cũng bởi vậy mà cầu kỳ, lắm công phu.
“Mai là loài dễ sống, khi đủ điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, mai sẽ cho ra nụ bên ngoài có màu vỏ đỗ xanh tơi, trong có màu đỏ son. Khoảng 2-3 ngày sau, cánh hoa bung nở, lúc này phía ngoài mép hoa vẫn có màu tím, sau đó chuyển dần sang màu tím hồng, rồi bay hết chỉ để lại cánh hoa trắng muốt. Mỗi bông mai hai bên đều có 2 lộc non, khi hoa tàn, các chân lộc lại nở nụ mới, cứ như vậy liên tiếp”, nghệ nhân Đỗ Văn Lan chia sẻ.
Theo ông Lan, mỗi bông nhất chia mai thường có từ 5-6 lớp cánh nhỏ xếp chồng lên nhau, cá biệt cũng có những bông có từ 8-9 lớp, hoa nở và tươi trong khoảng 10 ngày.
Là người có nhiều năm gắn bó với cây nhất chi mai, nghệ nhân Đỗ Văn Lan cho biết, đến nay chỉ còn vài sách cổ lưu lại những cách uốn mai, chủ yếu kinh nghiệm chơi và trồng mai nằm trong các làng nghề, mà các cụ cao niên trong làng chính là kho tàng sống về món văn hóa này.
Thú chơi "bỏng tay"
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan, vẻ đẹp thanh khiết, cao sang của hoa mai xưa từng được Nguyễn Du so sánh với vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều: “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, thú chơi nhất chi mai cũng bởi vậy mà xưa nay rất kén người chơi, chỉ có những tao nhân mặc khách đất kinh kỳ mới thưởng loài hoa quý này. Xưa Cao Bá Quát từng có câu thơ: Thập thủ luân giao cầu cổ kiến- Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Tạm dịch là “Mười năm đi tìm gươm báu- Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”.
Nghệ nhân Lan cho biết, những năm gần đây, thú chơi nhất chi mai dần trở nên thịnh hành hơn trong giới chơi hoa Hà thành. Giá mỗi chậu hoa mai mua đứt cũng vài triệu, có cây lên đến vài trăm triệu. Nhiều gốc mai quý, có tuổi đời hàng chục năm, các chủ vườn thường chỉ cho thuê chứ nhất quyết không bán.
Nhất chi mai được ví như thú chơi tao nhã nhưng "bỏng tay" của người Hà Nội nay, dù thích, nhưng không phải ai cũng đủ tiềm lực kinh tế.
Ông Lan kể, suốt hàng chục năm trồng mai, ông đã gặp những vị khách mê mai lắm, đến mức chỉ cần cây quý, đẹp, thì giá nào cũng mua. “Từng có khách mua mai về bày đến kín cả phòng khách vì mê quá’, ông Lan kể.
Cùng với hoa đào, hoa mai là một trong những biểu tượng của mùa xuân bắc Việt, thấy nhất chi mai là thấy xuân, thấy Tết. Trong cái mưa lây phây, gió lành lạnh, hương trầm, đèn nến, bên mâm cỗ giao thừa, nhất chi mai bung nở hoa trắng được cho là báo hiệu năm mới với nhiều may mắn, tốt lành./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận