Người lao động và doanh nghiệp lao đao vì chính sách “nhùng nhằng”
Chính sách không nhất quán về việc sử dụng amiang trắng có kiểm soát đã khiến các doanh nghiệp khốn khó, người lao động lao đao.
Mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến xây dựng Đề án Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang vào năm 2023. Thông tin này lập tức gây hiệu ứng tiêu cực, khiến các doanh nghiệp và người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất tấm lợp đứng ngồi không yên.
Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất tấm lợp giảm mạnh sản lượng.
Ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc CT CP ĐTXL&VLXD Đông Anh cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, trước những thông tin về việc cấm sử dụng amiang trắng, công suất của nhà máy đã giảm một nửa, sức mua của dân cũng giảm mạnh. Hiện tại, 600/800 công nhân của nhà máy đã nghỉ việc không biết đời sống như thế nào. Đến nay, năng suất của nhà máy đã giảm 80% so với 2011. Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền, nghiên cứu ứng dụng vật liệu thay thế nhưng sản phẩm không thành công (mưa thấm dột, giá thành lại gấp đôi).
Ông Nghĩa nói: “Chúng tôi mong muốn chính sách ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ chuẩn. Doanh nghiệp cam kết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cơ quan quản lý. Cách nay vài năm, DN đã áp dụng theo các giải pháp của Chính phủ rồi lại có lộ trình cấm nên chẳng ai yên tâm làm ăn được”.
Lý do được viện dẫn để cấm sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp là chất này gây ung thư. Tuy nhiên, bà Lê Thị Hằng – Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, đơn vị chuyên nghiên cứu các bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho biết, hàng chục năm qua chưa phát hiện trường hợp nào ung thư trung biểu mô hay ung thư phổi do tiếp xúc với amiang. Đối với ngành sản xuất gạch, ngói tỷ lệ công nhân mắc bệnh phổi silic cao hơn rất nhiều. Bản thân bà Hằng cũng đã chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp bộ ở Hà Giang đối với những người sử dụng tấm lợp, đã không phát hiện thấy sợi amiang trắng phát tán ra môi trường. Tỷ lệ ung thư của cư dân khu vực này cũng không có sự khác biệt so với các vùng trong cả nước.
“Chúng tôi theo dõi từ năm 1997 đến giờ chưa phát hiện trường hợp ung thư nào nhưng một số báo vẫn đưa có người bị ung thư. Người lao động cũng thắc mắc là tại sao chúng tôi khám bệnh thì bác sĩ nói không bị mà thông tin đại chúng lại nói chúng tôi bị ung thư?” – bác sĩ Hằng nêu thực trạng.
Bác sĩ Hằng quả quyết, chúng tôi trăn trở, mong muốn bảo vệ sức khỏe người lao động nhưng đưa ra các lý do để cấm doanh nghiệp sử dụng amiang sản xuất tấm lợp là chưa thuyết phục, không công bằng, thiệt thòi cho người lao động. Từ các bằng chứng khoa học, các nghiên cứu, chúng tôi khẳng định đây không thể là lý do cấm các cơ sở sản xuất tấm lợp amiang. Cơ quan thẩm quyền cần có chính sách để các doanh nghiệp yên tâm thực hiện các tiêu chuẩn, qui chuẩn. Còn với cách ứng xử như hiện nay, chúng ta đang gây ra những hệ quả xã hội đáng tiếc. Kinh nghiệm của các nước Thái Lan, Trung Quốc... đã có chúng ta nên học tập, chứ hội thảo tổ chức nhiều nhưng vấn đề vẫn còn đó.
Không đồng tình với quan điểm cho rằng amiang trắng gây ung thư, ông Lê Văn Tới – Nguyên Vụ trưởng Vụ VLXD – Phó Chủ tịch Hội VLXD cho biết, đã từng lao động 5 năm tại nhà máy sản xuất ống nước amiăng xi măng tại bộ phận xé vỏ bao amiăng từ năm 1975 đến 1981 tại Công hoà Liên bang Đức nhưng không hề có vấn đề gì về sức khoẻ. “Nếu có thể chứng minh tác động sức khoẻ của amiăng trắng tại Việt Nam, thì cần có lộ trình cấm cụ thể. Tuy nhiên hiện nay chưa có bằng chứng về tác động sức khoẻ của amiăng trắng tại Việt Nam”, đồng thời đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra liên ngàng và kiến nghị địa phương dừng sản xuất tại các doanh nghiệp chưa đảm bảo vệ sinh môi trường lao động.
Nên để thị trường điều tiết
Ông Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXDVN khẳng định, việc cấm amiăng trắng một cách đột ngột ảnh hưởng đến kinh tế và người lao động. Nhà nước nên quản lý bằng tiêu chuẩn môi trường và chất lượng sản phẩm trong cơ chế thị trường. Thực tế hiện nay, điều kiện kinh tế tại các vùng sâu vùng xa chưa cho phép bà con sử dụng các loại tấm lợp khác.
Cũng liên quan vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - ông Lê Hồng Tịnh cho rằng Bộ Xây dựng nên cẩn trọng trong việc xây dựng đề án. Lộ trình khi đề xuất ban hành cần phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt là khi các nghiên cứu khoa học còn chưa đưa ra ý kiến thống nhất về vấn đề này. Ông Tịnh cũng bổ sung rằng chỉ riêng ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã và đang sử dụng rất nhiều tấm lợp fibro xi măng, nếu cấm tấm lợp thì sẽ đẩy giá thành đầu tư chuồng trại lên cao, ảnh hưởng đến toàn ngành.
Từ thực tế các chuyến khảo sát, ông Lê Hồng Tịnh cho biết, các nước ASEAN cũng chưa đưa ra dự thảo cấm mà chỉ có các khuyến cáo để cho người dân tự quyết định theo nền kinh tế thị trường.
Sợi amiang trắng được làm ướt trước khi đưa vào nhào trộn, giảm phát tán ra môi trường.
Còn phía đơn vị xây dựng đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận những đóng góp của ngành tấm lợp fibro xi măng trong việc tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, dù chưa cấm nhưng lượng tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng đã giảm, một số doanh nghiệp đóng cửa, lượng amiăng nhập khẩu giảm. Điều đó cho thấy sức cạnh tranh của sản phẩm này không còn, đời sống người dân đi lên và nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm đẹp hơn.
Các doanh nghiệp cho rằng mốc thời gian dừng sử dụng amiang trắng từ năm 2023 là không khả thi vì nhiều doanh nghiệp vừa mới đầu tư từ năm 2011, chưa thu hồi đủ vốn. Hơn nữa, từ giờ đến 2023 chỉ có 4 năm (bao gồm cả thời gian hoàn thiện luật, ban hành quy định, nghị định hướng dẫn) thì doanh nghiệp không thể chuyển đổi sản xuất, đào tạo cho người lao động cũng như nghiên cứu vật liệu thay thế. Hơn nữa, với nhu cầu sử dụng tấm lợp của người dân còn rất lớn, việc dừng sản xuất tấm lợp fibro xi măng vào năm 2023 là không phù hợp với thực tiễn./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận