Người dân tự vào bệnh viện khi test nhanh dương tính sẽ nguy hiểm như thế nào?
Việc người dân có kết quả dương tính test nhanh tại nhà rồi tự vào bệnh viện dễ làm lây nhiễm virus ra cộng đồng, đồng thời gây tình trạng quá tải cho bệnh viện, nguy cơ lây nhiễm chéo.
Trước diễn biến khá phức tạp của dịch COVID-19, người dân Hà Nội tự mua test nhanh về nhà để xét nghiệm. Khi có kết quả dương tính, họ không thông báo cho chính quyền địa phương, trung tâm y tế mà đến thẳng bệnh viện.
Sáng 9/12, tại khu vực khám sàng lọc COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn có khá đông người dân đến khám với các triệu chứng viêm đường hô hấp như: sốt, ho, đau họng; cũng có trường hợp đi khám bệnh ngẫu nhiên test nhanh ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được chuyển tới khu vực cách ly, sàng lọc COVID-19.
Mấy ngày qua, cụ ông T.V.T (74 tuổi, ở Lê Thanh Nghị, Hà Nội) thấy đau họng, ho nhiều nên ông đã đến Bệnh viện Thanh Nhàn để khám. Tại khu vực khám sàng lọc, kết quả test nhanh của cụ ông là dương tính và ngay lập tức, ông được chuyển vào khu vực cách ly khám sàng lọc bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện.
Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện có trên 20 bệnh nhân tự làm test nhanh tại nhà và khi có kết quả dương tính đã đến phòng khám của bệnh viện Thanh Nhàn để khám sàng lọc.
Theo BS Hường, điều này sẽ gây nguy hiểm, bởi khi bệnh nhân tự di chuyển sẽ dễ có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bên cạnh đó sẽ gây tình trạng quá tải cho bệnh viện, ảnh hưởng rất lớn đến việc phân luồng cũng như thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Được biết, có tới 99% các trường hợp làm test nhanh dương tính khi làm xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính. BS Hường cho biết, với những bệnh nhân này, bệnh viện sẽ phân tầng điều trị, với tầng 1 sẽ triển khai thu dung tập trung, tầng 2-3 là tiếp nhận điều trị.
Việc người dân có kết quả test nhanh tại nhà tự vào bệnh viện để điều trị sẽ là gánh nặng cho đội ngũ y tế. Bởi theo quy định của UBND Hà Nội và Sở Y tế, bệnh viện được giao 300 giường, trong đó 250 giường ICU, 50 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình. “Khi bệnh nhân tự test nhanh dương tính đến sẽ khiến số giường ở tầng 2 quá tải và làm mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân nặng ở tầng 3”- TS.BS Nguyễn Thu Hường chia sẻ.
Vì vậy, bác sĩ Hường khuyến cáo, trong trường hợp người dân test nhanh tại nhà dương tính cần khẩn trương khai báo với y tế phường, Trung tâm Y tế nơi bệnh nhân sinh sống để được báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và xử lý kịp thời. Trong thời gian chờ đợi, người bệnh phải liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế phường về các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh để được can thiệp y tế kịp thời.
“Khi phát hiện dương tính cũng cần lắng nghe cơ thể, làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế như đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo SPO2. Nếu có các dấu hiệu chuyển nặng phải báo ngay trung tâm y tế”- BS Hương khuyến cáo.
Cũng theo BS. Nguyễn Thu Hường, với các bệnh nhân thể nhẹ, tâm lý khi mắc bệnh họ mong muốn được đến cơ sở y tế tốt để điều trị. Tuy nhiên, với khuyến cáo hiện nay, bệnh nhân ở phân tầng 1 có thể điều tị tại nhà theo quy định, có thể thu dung tại một số cơ sở tuyến dưới.
Được biết, hiện nay bệnh viện tiếp nhận trên 100 bệnh nhân COVID-19, có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng, cá biệt có thời điểm là 40 bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở oxy, can thiệp máy thở. Tuy nhiên, những bệnh nhân trở nặng này đa phần là chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine nhưng chưa đủ liều hoặc đã tiêm 2 mũi nhưng thời gian chưa đủ để sinh ra kháng thể.
BS Hường cũng chia sẻ, trong thời điểm hiện nay, rất khó phân biệt giữa triệu chứng của các bệnh cúm thông thường với COVID-19. Nhất là những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine sẽ có triệu chứng nhẹ, rất dễ bị bỏ qua và hiểu lầm thành cúm. Vì vậy, khi người dân có bất kỳ triệu chứng gì liên quan đến đường hô hấp hoặc những rối loạn vị giác, khứu giác thì nên liên hệ với các cơ sở y tế để được khám sàng lọc./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận