Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy miệt mài gìn giữ văn hoá Dao
Năm 2018, bà Triệu Thị Nhậy, dân tộc Dao, ở thôn Hai Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì những đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy, dân tộc Dao, thôn Hai Túc, xã Phúc Lợi được biết đến là người luôn đau đáu, miệt mài với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ đam mê hát, dạy hát páo dung, sáng tác nhiều bài hát Dao, bà còn quyết tâm đưa các sản phẩm thêu thổ cẩm của dân tộc Dao đỏ thôn mình trở thành hàng hoá.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào Dao đỏ Yên Bái, từ nhỏ bà Triệu Thị Nhậy đã được cảm nhận sự mượt mà, sâu lắng của những làn điệu dân ca Dao qua những lời ru, tiếng hát ngọt ngào của bà và mẹ. Ngay khi lên 10 tuổi, bà được mẹ và bà ngoại dạy hát páo dung (dân ca dao). Lớn lên bà càng đam mê hát vì hiểu hơn lời hay, ý đẹp ẩn chứa trong những bài dân ca, dân vũ của đồng bào mình.
Trăn trở khi thấy những điệu hát dân ca, dân vũ, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao ngày càng ít hiện hữu trong đời sống thường ngày, bà Nhậy tích cực vận động và là thành viên nòng cốt trong việc thành lập đội văn nghệ xã những năm trước đây, thu hút nhiều người dân các lứa tuổi đam mê văn hóa văn nghệ tham gia. Với vốn am hiểu bản sắc văn hoá, cùng với sự tìm tòi, học hỏi, bà mạnh dạn biên đạo, dàn dựng nhiều điệu múa độc đáo, tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng tại nhiều địa phương và toàn quốc, như trích đoạn múa cấp sắc, múa rùa, khoi kềm… đều đạt giải cao.
Đơn cử như tiết mục hát giao duyên, do chính bà Nhậy sáng tác và trực tiếp song ca cùng một nam diễn viên trong đội văn nghệ thôn đã đoạt giải huy chương vàng tại hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc tỉnh Yên Bái năm 1994 và đoạt giải huy chương vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
Thời điểm vừa là Chủ tịch hội phụ nữ xã, đại biểu HĐND tỉnh, vừa là đại biểu Quốc hội khoá XI, được đi nhiều nơi, tham dự nhiều hội nghị, tiếp xúc với nhiều người, bà Triệu Thị Nhậy càng hiểu và thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc. Ngoài công việc xã hội, bà giành thời gian dạy hát dân ca dân vũ, hát giao duyên cho bà con và các thành viên trong đội văn nghệ, ngoài ra còn sáng tác được trên 40 bài hát dân ca dao về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước.
“Khi đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, phần lớn người Dao còn nghèo đói. Vì vậy hầu như ít ai quan tâm đến bản sắc văn hoá dân tộc mình. Chính điều này càng làm tôi càng trăn trở và quyết tâm làm được điều gì đó góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc” - bà Triệu Thị Nhậy chia sẻ.
Nhận thấy chị em phụ nữ Dao rất khéo léo trong thêu thùa, may vá các sản phẩm dân tộc, nhưng lại chưa phát huy được thế mạnh này, năm 1996, với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái, bà Triệu Thị Nhậy đã mở được một lớp truyền dạy thêu may trang phục dân tộc Dao, thu hút được 45 chị em hội viên tham gia. Nhiều chị em ở thôn, ở xã đã có thêm thu nhập từ việc thêu hoa văn thổ cẩm, may trang dân tộc phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương và ngoài huyện.
“Được nghệ nhân Triệu Thị Nhậy truyền dạy thêu hoa văn thổ cẩm, may trang phục dân tộc Dao, đến giờ tôi đã tự tin làm ra những bộ trang phục truyền thống và làm thêm được một số sản phẩm như gối, túi, ví, vỏ gối… Không những vậy nhờ có nghệ nhân Nhậy truyền dạy, giờ đây phần lớn chị em đều biết hát páo dung, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” - chị Triệu Thị Hồng, Thôn Ba Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết.
Năm 2019, làng nghề thêu dệt thổ cẩm thôn Hai Túc chính thức được công nhận và bà Triệu Thị Nhậy cũng với vai trò nòng cốt trong hoạt động của làng nghề, với mong muốn không chỉ bảo tồn những nét đẹp trong trang phục truyền thống, mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng đưa ra thị trường.
“Rất vinh dự khi Tổ hợp tác thổ cẩm thôn Hai Túc được thành lập và Hai Túc cũng được công nhận là làng nghề thổ cẩm truyền thống. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu để sản phẩm thêu thổ cẩm trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Có như vậy sản phẩm thổ cẩm mới có chỗ đứng trên thị trường và vươn xa hơn nữa là xuất khẩu” - bà Triệu Thị Nhậy bày tỏ.
Theo ông Lương Hồng Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái: Bà Triệu Thị Nhậy là một trong những nghệ nhân rất tâm huyết và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Dao đỏ nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung. “Nghệ nhân Triệu Thị Nhậy rất tâm huyết, bà có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, và phát huy bản sắc dân tộc Dao đỏ. Thứ hai tích cực tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, trong những năm qua đạt được nhiều giải thưởng. Chính quyền địa phương đã có nhiều đề xuất với các cơ quan chức năng đánh giá, xem xét để sản phẩm thêu dệt thổ cẩm trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai” - ông Lương Hồng Ngoan đánh giá.
Năm 2018, bà Triệu Thị Nhậy vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Phần thưởng ấy là sự ghi nhận, là nguồn động viên bà thêm đam mê, góp sức hết mình với với việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc cho con cháu muôn đời sau./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận