Mất cả chì lẫn chài vì "dính bẫy” việc làm dịp cuối năm
Lừa đảo việc làm cuối năm không phải câu chuyện mới nhưng muôn hình vạn trạng với nhiều mánh khóe khác nhau. Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng vẫn không ít lao động mắc “bẫy” lừa đảo.
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu (2021), thời điểm này thị trường lao động sôi động hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gấp gáp hoàn thành các đơn hàng phục vụ dịp Tết. Cũng bởi vậy mà nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, sau một năm kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động tranh thủ tìm việc làm thêm cuối năm nhằm bù đắp những chi phí, kiếm tiền tiêu Tết. Nắm được những xu hướng này, không ít đối tượng lợi dụng để lừa đảo người lao động.
Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và tìm việc của người lao động đều tăng cao. (Ảnh minh họa)
Nguyễn Thị Chi, sinh viên năm thứ nhất ĐH Giao thông vận tải cho biết, giáp Tết, có thời gian rảnh, nên Chi quyết định tìm việc làm thêm kiếm thêm tiền tiêu Tết. Lên facebook tìm việc, Chi biết đến 1 cơ sở chuyên sản xuất hạc giấy làm đồ lưu niệm. Công việc đơn giản, khi chỉ cần lấy giấy màu từ cơ sở này về sau đó hoàn thiện sản phẩm và gửi lại để nhận lương. Việc làm tại nhà, không mất công di chuyển, tiền vốn bỏ ra tạm ứng để lấy giấy màu chỉ 500.000 đồng, sau khi hoàn thành sẽ được nhận mức tiền công là 500.000 đồng và được hoàn lại vốn đã bỏ, nên Chi đã ngay lập tức đồng ý.
Đúng ngày hẹn, Chi nhận được giấy màu các loại gửi đến và thanh toán tiền cho shipper. Thấy công việc tốt, một số bạn của Chi cũng quyết định cùng làm. Thế nhưng sau khi hoàn thành hết sản phẩm, gọi lại số điện thoại đã đặt hàng, thì lại không liên hệ được.
Sau một vài ngày tìm hiểu, nữ sinh này mới biết, cơ sở kia không sản xuất hàng lưu niệm, mà chỉ bán giấy màu và đây là chiêu trò lừa đảo để bán được hàng.
Không chỉ mất công, nữ sinh còn phải ngậm ngùi chấp nhận mất tiền cọc để lấy giấy màu.
Giống như Chi, Nguyễn Thu Minh, sinh viên 2 tại Hà Nội cũng bị lừa khi tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm giúp việc theo giờ. Khi đến xin việc, Minh phải đóng 600.000 đồng tiền phí môi giới để nhận các công việc có mức lương khoảng 50.000 đồng/giờ, mỗi ngày làm tối đa 5 tiếng. Với những công việc mức lương cao hơn, thì mức tiền phí giới thiệu cũng tăng cao hơn.
Tính toán thấy số tiền cọc chỉ bằng hơn 2 buổi làm việc, nhà xa trung tâm, nên Minh nhanh chóng gửi thông tin online và chuyển khoản tiền đăng ký để được giới thiệu việc làm. Đúng hẹn, Minh được giới thiệu đến 1 gia đình để làm việc, nhưng gia đình này lại chỉ có nhu cầu thuê giúp việc theo giờ 4 ngày vì có đám cưới, chứ không phải từ đầu tháng 12 âm lịch đến Tết Nguyên đán như trung tâm giới thiệu.
Cùng chung cảnh ngộ, Trần Huy Hải, sinh viên năm 3 tại Hà Nội cũng tranh thủ làm shipper để kiếm thêm tiền tiêu Tết những buổi được nghỉ học. Tưởng chừng công việc đơn giản, chỉ cần có xe máy, biết đường và một chút vốn nhỏ để làm tiền cọc cho khách khi đặt hàng. Nhưng khi đi làm thực tế, Hải mới biết, công việc không hề đơn giản. Vừa đi làm được vài ngày, nam sinh đã bị lừa hết toàn bộ số tiền kiếm được và phải bù lỗ thêm.
Hải chia sẻ: “Em nhận được đơn chuyển 2 hộp sữa đến một địa chỉ cho sẵn và phải ứng trước 1 triệu đồng tiền sữa sau đó lấy lại của khách. Để chắc chắn, em đã gọi ngay cho người nhận hàng khi vừa nhận hàng để xác minh địa chỉ, nhưng khi đến nơi, thì lại không liên lạc được, em có gọi lại cho người gửi cũng tắt máy. Khi hỏi thăm người dân ở xung quanh, thì được biết không có ai tên như khách hàng mà em đang tìm. Em mở gói hàng ra thì phát hiện đó chỉ là 2 vỏ hộp sữa bên trong toàn gạo”.
Lừa đảo việc làm cuối năm không phải câu chuyện mới, nhưng muôn hình vạn trạng với nhiều mánh khóe khác nhau. Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng vẫn không ít lao động mắc “bẫy” lừa đảo.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng lao động tăng đáng kể, các doanh nghiệp đều tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết nội địa.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.
Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, có thể thấy các lĩnh vực đang tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng như nhóm ngành ứng dụng CNTT, thương mại điện tử, dệt may, da giày, ăn uống, dịch vụ, du lịch... Đây cũng là thời điểm nhu cầu lao động bán thời gian tăng cao.
Để tránh những rủi ro không mong muốn trong quá trình tìm kiếm công việc dịp Tết, ông Thành khuyến cáo người lao động khi tiếp nhận thông tin tuyển dụng cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, hợp đồng lao động ra sao, giao dịch tiền lương, thưởng qua phương thức nào.
“Đặc biệt với nhóm lao động thời vụ, thường thỏa thuận bằng “hợp đồng miệng” thay văn bản, người lao động cũng cần trao đổi hết sức cụ thể, rõ ràng để tránh bị lừa. Ngoài ra, để chắc chắn, người lao động có thể tìm đến các điểm sàn của các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hỗ trợ, kết nối tìm việc tốt hơn”, ông Thành lưu ý./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận