Khi nào Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 mũi 3?
Theo một số chuyên gia, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch là hợp lý. Tuy nhiên cũng còn phải phụ thuộc vào việc cung ứng vaccine về Việt Nam.
Mới đây, trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về nhu cầu sử dụng vaccine trong những tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch năm 2022 của Bộ Y tế, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê số lượng trẻ trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi. Đồng thời đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều vaccine.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế TP.HCM diễn ra chiều 30/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tháng 11 và 12 tới đây, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho một số trường hợp có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu.
Theo một số chuyên gia y tế, về chuyên môn, việc tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch là hợp lý.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch thường xuyên tiếp xúc với các F0. Đặc biệt thời gian qua cũng đã có trường hợp các nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc F0 đã bị lây nhiễm. Vì vậy, theo PGS Nga, việc tiêm vaccine mũi 3 cho những người này là cần thiết.
Những đối tượng này họ đã tiêm vaccine được 6 tháng. Vì vậy, nếu có vaccine, tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch cũng hợp lý. Bởi họ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nên nguy cơ lây nhiễm cao”- ông Nga cho hay.
Ông Nga cũng cho biết, một số nước trên thế giới họ cũng đã tiêm bổ sung cho người cao tuổi, người có bệnh nền nặng.
Tuy nhiên, theo TS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, việc tiêm vaccine mũi 3 còn phụ thuộc vào việc cung ứng vaccine. Trong thời điểm này, vẫn phải ưu tiên vaccine để phủ đủ 2 mũi trên diện rộng. Trường hợp dư thừa vaccine, khi đó mới tính đến việc tiêm mũi 3 cho những người nguy cơ đáp ứng miễn dịch kém, khả năng tạo miễn dịch yếu.
Đối tượng nào đủ điều kiện tiêm vaccine tăng cường?
Theo News-medical.net, hiện nhiều quốc gia phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19 bất chấp những chiến dịch tiêm chủng được đánh giá là thành công. Theo các nhà khoa học, trong số các nguyên nhân có thể là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn, cũng như khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian. Trước tình hình này, một số quốc gia đang có kế hoạch tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 mRNA. TVà trên thực tế, COVID-19 không phải dịch bệnh duy nhất phải tiêm mũi tăng cường. Hàng năm, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân tiêm nhắc lại các mũi vaccine ngừa cúm hay 10 năm một lần đối với thuốc tiêm ngừa uốn ván, bạch hầu và ho gà.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều trước đó 5 tháng. Kết quả cho thấy, những người được tiêm 3 liều vaccine (7 ngày trở lên sau liều thứ 3) có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 thấp hơn 93%, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng thấp hơn 92% và nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 thấp hơn 81%.
Theo Gov.uk, tại Anh, tính đến ngày 1/11, tức chỉ 3 ngày sau khi triển khai, hơn 820.000 mũi vaccine tăng cường đã được tiêm. Để khuyến khích người dân, Chính phủ Anh đã phát động một chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc, kêu gọi mọi người tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 và vaccine cúm để bảo vệ bản thân và những người thân yêu, đồng thời giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế quốc gia. Theo Cơ quan y tế công cộng Anh, vaccine mang lại mức độ bảo vệ cao nhưng khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian, đặc biệt đối với người lớn tuổi và các nhóm có nguy cơ. Điều quan trọng là những người dễ bị tổn thương nên tiêm tăng cường vaccine COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ, nhất là trong những tháng mùa đông.
Theo Asia.Nikkei, ngay từ giữa tháng 9, Singapore đã triển khai tiêm vaccine tăng cường cho những đối tượng được xác định là dễ bị tổn thương nhất trước COVID-19 (những người trên 65) và hiện đã mở rộng sang các nhóm tuổi khác. Tính đến cuối tháng 10, khoảng 80,2% trong số những người từ 60 tuổi trở lên đủ điều kiện đã nhận được liều tăng cường hay đặt lịch tiêm tăng cường, cùng với 92,7% ở độ tuổi 50- 59 và 75,1% ở độ tuổi 30- 49. Bộ Y tế Singapore đã nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh ở những người đã tiêm vaccine so với những người chưa được tiêm đầy đủ và phát hiện rằng mũi tiêm thứ 3 giúp làm giảm thêm khoảng 70% nguy cơ mắc COVID-19 và khoảng 90% nguy cơ bệnh nặng.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine tăng cường gồm:
- Những người từ 65 tuổi trở lên
- Người từ 18 tuổi trở lên sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn như: cơ sở điều dưỡng chuyên môn hoặc cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, nhà ở dân cư cho người khuyết tật.
- Người từ 18 tuổi trở lên có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khiến bạn có nguy cơ mắc các biến chứng COVID-19 cao hơn, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Người từ 18 tuổi trở lên làm việc trong môi trường có nguy cơ cao , chẳng hạn như lực lượng tuyến đầu, cơ sở giáo dục hay nhân viên bán hàng.
- Các liều vaccine bổ sung cũng được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng vì những người này đặc biệt dễ bị tổn thương với COVID-19./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận