Khi nào có vaccine ngừa Covid -19 cho trẻ em?
Để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, trẻ em có thể yên tâm tới trường, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi, đến khi nào có vaccine ngừa Covid -19 tiêm cho trẻ em?
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đợt dịch đầu tiên đến nay, Việt Nam đã có hơn 15.000 trẻ em Việt Nam mắc COVID-19. Trong đợt dịch thứ 4, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí có trẻ sơ sinh vài tháng tuổi cũng trở thành F0, chủ yếu tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Một số ca bệnh COVID-19 là trẻ em bị béo phì, trẻ có sức đề kháng kém dễ đối mặt với nguy cơ tử vong.
Để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, trẻ em có thể yên tâm tới trường, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi, đến khi nào có vaccine ngừa Covid -19 tiêm cho trẻ em?
Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiêm vaccine cho người dân.
Trong số gần 15.000 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, hiện còn gần 3.000 trẻ đang điều trị, trong đó có 13 trường hợp bệnh nhân là trẻ em tử vong, chiếm tỷ lệ 0,1%. Các trường hợp này hầu hết có bệnh lý nền, trong đó có trường hợp rất nặng như ung thư. Tại Hà Nội, từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư, số ca nhiễm trẻ em tăng lên nhanh chóng, chiếm khoảng 5% số ca mắc, trong đó có cả những em nhỏ mới chào đời.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ghi nhận ở một số quốc gia, bệnh COVID-19 ở trẻ em thường nhẹ, nhất là trẻ nhỏ. Trong số các ca COVID-19 diễn biến nặng, trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ chiếm 2 đến 4,8%. Tuy nhiên, về mặt sức khỏe, trẻ em sẽ chịu những ảnh hưởng lâu dài nếu bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, những trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh lý nền, tình trạng nặng hơn nhiều nếu mắc COVID-19. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng, băn khoăn, khi nào các con được tiêm vaccine, đủ điều kiện quay trở lại trường học.
“Hiện nay, người lớn trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine và được trở lại công việc hàng ngày. Điều chúng tôi mong mỏi là Nhà nước sớm có vaccine tiêm cho trẻ em để các con được sớm trở lại trường học, được gặp bạn bè, thầy cô. Đây cũng là niềm mong mỏi của các con bởi các con nghỉ ở nhà cũng quá lâu rồi”, chị Nguyễn Thúy Ngần, ở quận Hoàng Mai, có 2 con trai đang học cấp 2 trường Đoàn Thị Điểm mong muốn.
Những lo lắng và mong mỏi được tiêm vaccine để bảo vệ trẻ em trước COVID-19 là hoàn toàn chính đáng. Ông Trần Công Nguyên, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho rằng: “Vaccine trẻ em là chìa khóa quan trọng để chúng ta mở cửa trường học, mở cửa các dịch vụ khác, có nghĩa là được hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi rất mong Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hết sức quan tâm tới việc vaccine cho trẻ em. Đây là điều kiện mà chúng tôi cho rằng Việt Nam nên quan tâm giải pháp này trước thì mới có điều kiện thực hiện các giải pháp tiếp theo”.
Việc tiêm phủ vaccine cho người dân trong có trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, do vaccine phòng COVID-19 đều được nghiên cứu và cấp phép trong điều kiện khẩn cấp nên hiện nay tại một số quốc gia việc tiêm thận trọng và kế hoạch tiêm vaccine cho đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi chưa thể mở rộng.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Ngọc, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, ở tuổi càng trẻ, việc đáp ứng với vaccine càng mạnh nên việc thử nghiệm lâm sàng vaccine cho trẻ em phức tạp hơn và đòi hỏi sự quan sát, giám sát chặt chẽ hơn. Hiện nay, trong các loại vaccine COVID-19 đang được tiêm, chỉ có vaccine Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi.
Từ giữa tháng 7 năm nay, Bộ Y tế cũng đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi.
“Việt Nam cũng đang nghiên cứu và nhập vaccine dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên cho đối tượng này tuyệt đối bởi vì ở các tỉnh phía Nam, số lượng mắc Covid rất lớn, rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng mong nâng cao năng lực cho các nhân viên y tế. Trong bối cảnh dịch Covid cũng phải xây dựng hướng dẫn về việc đảm bảo sức khỏe tâm thần cho trẻ em”, BS Ngọc cho hay.
Theo bà Anni Chu, Trưởng phòng chăm sóc sức khỏe toàn dân, Tổ chức Y tế thế giới, vaccine trẻ em thường được thử nghiệm sau khi đã được chứng minh tính an toàn ở người lớn bởi trẻ em vẫn đang trong quá trình phát triển cơ thể. Do đó, chỉ có vaccine đã chứng minh được độ an toàn mới tiêm cho trẻ và chỉ tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
“Có rất nhiều bằng chứng về sự an toàn của vaccine đối với trẻ, khả năng để áp dụng trong thời gian tới. Từ tháng 7/2021, Nhóm cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới về tiêm chủng đã kết luận rằng, vaccine Pfizer Biontech phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi. Dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và tình hình hiện tại, chúng tôi khuyến nghị rằng các quốc gia chỉ nên xem xét sử dụng vaccine Pfizer Biontech cho trẻ em chỉ từ 12 đến 15 tuổi khi đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao”, bà Annie Chu khuyến nghị.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. Điều này nhằm tiến tới cho học sinh đã được tiêm vaccine sớm có thể trở lại trường học như cách làm của một số nước. Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đến hết tháng 4/2022 để hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, do điều kiện cung ứng, tiếp cận vaccine khó khăn nên việc tiêm vaccine cho trẻ em có thể chậm hơn so với kế hoạch./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận