F0 không được hỗ trợ kịp thời, làm thế nào để khắc phục?
Gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội mỗi ngày lại ở mức kỷ lục mới. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải đối với y tế tuyến xã, phường. Nhiều ca F0 chưa được tư vấn kịp thời, thậm chí bị bỏ mặc. Vậy làm thế nào để theo dõi sức khoẻ liên tục đối với bệnh nhân Covid-19 trở nặng?
Chăm sóc con gái 20 tuổi mắc Covid-19, nhìn vào màn hình nhỏ của máy SPO2 đo nồng độ ô xy trong máu, đeo trên đầu ngón tay trỏ, thấy chỉ số sinh tồn của con bị đe doạ, anh Huỳnh Tuấn ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội vô cùng lo lắng.
“Chỉ số ô xy bình thường là phải từ 95 trở lên nhưng chỉ số của cháu bị hạ xuống dưới 94, rồi 90 và xuống 89 khiến cả nhà phát hoảng…”, anh Tuấn nói.
Gọi cho Trung tâm cấp cứu 115 với mong muốn đưa con đến bệnh viện, nhưng anh Huỳnh Tuấn lại được hướng dẫn gọi đến trạm y tế phường. Kiên trì gọi cho trạm y tế phường suốt 15 phút nhưng chỉ nhận được những âm thanh tít tít…
Cuộc gọi trong lúc khẩn thiết nhất không nhận được hồi âm càng khiến gia đình anh Tuấn sốt ruột, hoang mang: “Tôi gọi không được, lúc đó rất sợ và cũng trạm y tế phường cũng chỉ có 1 số thôi. Chỉ khi có sự tác động từ cấp trên thì trạm y tế phường gọi lại cho tôi bằng một số điện thoại khác, tức là khác với số đường dây nóng mà trước đó trạm y tế đã gửi cho gia đình. Tôi đã tính đến phương án dùng xe máy để chở con đi”.
Cũng may sau đó, con gái của anh Huỳnh Tuấn vượt qua được phút giây nguy hiểm. Tuy nhiên, trường hợp F0 bị bỏ mặc khi điều trị tại nhà không phải là ít tại Hà Nội hiện nay.
“Sau khi test nhanh dương tính tôi liên hệ với tổ trưởng dân phố, thông báo cho trạm y tế xã Đặng Xá nhưng họ cũng không cung cấp thông tin gì. Đến ngày thứ 3 tôi hỏi lại là trạm y tế phường có cấp thuốc cho F0 không thì trạm bảo huyện không cấp thuốc nên không có. Theo tôi nếu không cấp thuốc thì phải nói rõ cho người dân”.
“Sau khi biết mình là F1, tôi tự xét nghiệm nhanh, kết quả dương tính. Tôi báo cho trạm y tế phường Đại Kim họ test lại cũng dương tính, nhưng họ không hướng dẫn uống thuốc gì. Tôi phải mày mò hỏi những người từng mắc Covid-19 để xem uống thuốc gì và giờ cũng biết tự điều trị”.
Có một thực tế là tại những xã, phường có quá nhiều ca F0, nhân viên y tế cơ sở đang quá tải với công việc. Bác sĩ Nguyễn Hữu Giáp, Trạm trưởng Trạm y tế phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho hay, dịch lây lan mạnh trong cộng đồng, bệnh nhân Covid-19 không chỉ phát hiện qua truy vết mà còn được ghi nhận từ việc người dân có kết quả test nhanh dương tính tại nhà rồi thông báo với trạm y tế phường.
“Chúng tôi phải làm việc gấp đôi công suất, từ 7h30 sáng đến đêm, nếu là ca trực thì phải làm việc gần như suốt ngày đêm, không chỉ truy vết F0, F1 mà còn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, theo dõi dấu hiệu sinh tồn và phân tầng, chuyển tuyến cho bệnh nhân. Ngoài việc lập zalo để tương tác với bệnh nhân, chúng tôi công bố nhiều số điện thoại đường dây nóng của cán bộ, nhân viên y tế”, bác sĩ Nguyễn Hữu Giáp cho hay.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Giáp, lúc này, sự điều hành của Ban chỉ đạo và Sở chỉ huy chống dịch ở các địa phương rất quan trọng. Không chỉ điều hành nhân lực của trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động và các thầy thuốc đã nghỉ hưu trên địa bàn, mà còn cần huy động sự tham tích cực của các hội, ban, ngành đoàn thể trong các tổ đội theo dõi sức khoẻ F0 tại nhà.
“Phải phân công nhiệm vụ, ví dụ trạm y tế đảm nhận 5 tổ dân phố, trạm y tế lưu động đảm nhận 5 tổ dân phố. Phân công cụ thể cho các tổ chăm sóc F0 ở tổ dân phố. Quan trọng nhất là bố trí được nhân lực, nguồn lực, vật tư y tế và chế độ chính sách thì mới có một hệ thống mạnh dưới sự chỉ đạo của Sở chỉ huy”, bác sĩ Nguyễn Hữu Giáp nói.
Chia sẻ với tuyến y tế cơ sở ở Thủ đô, bác sĩ Hoàng Tuấn, Bệnh viện bỏng quốc gia cùng nhiều bác sĩ quân đội từng chi viện chống dịch tại TP.HCM đã thành lập nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà trên facebook. Chỉ trong khoảng 1 tuần, đã có hơn 40.000 người tham gia nhóm này, trong đó có hàng triệu lượt câu hỏi hoặc lời đề nghị được trợ giúp của người nhà và bệnh nhân Covid-19.
“Trải qua giai đoạn tham gia chi viện chống dịch tại TP.HCM, tôi nhận thấy, F0 và người nhà rất cần hỗ trợ thông tin để họ yên tâm điều trị. Từ tháng 8 đến giờ, tôi đã hỗ trợ nhiều F0 điều trị tại nhà có thêm thông tin. Thời gian gần đây, dịch bệnh tại miền Bắc ngày càng tăng cao, số lượng F0 điều trị tại nhà rất nhiều. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã thành lập ra nhóm trên facebook để có thêm nhiều F0 được hỗ trợ và kếu gọi được nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau tham gia hỗ trợ người bệnh…”, bác sĩ Hoàng Tuấn cho biết.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu các địa phương không được để xảy ra tình trạng bệnh nhân Covid-19 không được biết đến, không được hỏi han, theo dõi, cấp thuốc, thế nhưng tình trạng F0 bị bỏ mặc vẫn xảy ra tại Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ khó lường nếu bệnh nhân trở nặng. Trong khi đó, ở nhiều nơi trong cả nước, nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc hàng loạt sau một thời gian dài áp lực với công việc truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch không thể khoán trắng cho đội ngũ y tế, nhất là khi công việc đang quá tải. Thực tế đang đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu địa phương thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kéo giảm số ca lây nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 gây ra./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận