Đường sắt Cát Linh lỗi hẹn, Bộ trưởng GTVT lại “hứa” thêm lần nữa
Không “chốt” thời điểm vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào một ngày cụ thể, Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt này sẽ vận hành vào cuối năm 2019!?
- Lập 5 đoàn tàu chạy thử trên tuyến Cát Linh - Hà Đông từ 20/9 tới
- Gần 700 người vận hành 13km đường sắt Cát Linh-Hà Đông, nhiều hay ít?
Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội ngày 17/5/2019, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã thay “hứa hẹn” sẽ đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông(Hà Nội) vận hành thương mại vào 1 tháng cụ thể (như trước đó khẳng định sẽ vận hành vào tháng 4/2019), Bộ GTVT lại đưa ra tiến độ mới với cam kết tuyến đường sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Theo đó, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã cả chục lần “lỡ hẹn” về đích, lần gần nhất theo “phấn đấu” của Bộ GTVT là vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay đã hết tháng 5/2019, dự án này vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Theo Bộ GTVT, đến nay dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Phần công việc 1% còn lại từ hơn nửa năm trước tới nay vẫn được báo cáo “đang xử lý”.
Cùng với việc không nói tháng nào của nửa cuối năm nay tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cả nước có thể khai thác thương mại, Bộ GTVT lại tiếp tục dẫn ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc của dự án.
“Dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội.
Theo ông Thể, các vướng mắc của dự án như: Tổng thầu (Trung Quốc) chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chúng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…
“Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện”, ông Thể khẳng định.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT, các dự án đường sắt đô thị hiện đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư (đội vốn), như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; Dự án đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ GTVT lý giải, do đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của Chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế. Cùng đó do thiếu kinh nghiệm nên tính toán tổng mức đầu tư không sát thực tế, phải thay đổi quy mô; Các tư vấn, nhà thầu thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam…
Về trách nhiệm, Bộ GTVT nhìn nhận, để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tư vấn. Việc chậm giải phóng mặt bằng, thay đổi quy hoạch thuộc trách nhiệm địa phương, chủ đầu tư.
Giải pháp ông Thể đặt ra vẫn là các loại tăng cường như: Tăng cường phối hợp, nâng cao kỷ cương trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc…
Lo chi phí đội lên, người dân phải chịu
Liên quan tới Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông tiếp tục thất hứa, lỡ hẹn đưa vào khai thác thương mại tới hơn chục lần, phía chủ đầu tư lý giải nguyên nhân dự án chậm do Tổng thầu EPC; công tác cấp chứng nhận an toàn; Cục đăng kiểm thẩm định hồ sơ an toàn...
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, về nguyên tắc khi ký hợp đồng, hoàn thành sớm thì được thưởng mà chậm tiến độ thì bị phạt, nhưng tại sao năm lần bảy lượt Tổng thầu Trung Quốc chậm tiến độ mà Việt Nam vẫn chấp nhận mà không xử lý được?
Việc dự án hoàn thiện 99% tiến độ vẫn không thể đưa vào vận hành cho thấy tính đồng bộ của dự án không được bảo đảm.
Từ nhìn nhận trên, các chuyên gia giao thông cho rằng, sự chậm trễ đưa dự án vào vận hành khai thác lỗi trước hết thuộc về Bộ GTVT và Ban quản lý đường sắt, tổng thầu EPC Trung Quốc, sau đó mới đến các cơ quan, bộ ngành, liên quan khác.
Đáng nói, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, sự chậm trễ, tiếp tục kéo dài thời gian hoàn thiện dự án sẽ là mối lo chi phí đội lên, giá vé có thể sẽ phải cao hơn, người dùng phải trả tiền nhiều hơn.
"Sự bất hợp lý ở đây là việc người dân phải móc túi, trả tiền cho công tác quản lý yếu kém, bù đắp các khoản thất thoát, lãng phí, trong quá trình thi công của tổng thầu Trung Quốc. Do đó, vấn đề này phải được làm rõ, phải làm rõ người chịu trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không thể bắt người dân phải chịu", một chuyên gia xin không nêu tên nói.
Các chuyên gia giao thông và kinh tế cũng lo ngại chi phí vận hành, chạy thử có thể sẽ bị đẩy lên và lại được tính vào tổng vốn đầu tư, bắt người dân phải chịu. Cho nên yêu cầu cần minh bạch, rõ ràng, khâu nào yếu kém, trách nhiệm thuộc về ai?
Mọi rủi ro, sai sót người dân phải gánh hết, trong khi trách nhiệm chính của những người trực tiếp điều hành, quản lý, thi công dự án lại không được nhắc tới, đó là thực tế tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông này./.
Phi Long/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận