Đường bay thẳng Việt – Mỹ: Hãng nào sẽ cất cánh trong năm 2019?
Đường bay thẳng Việt-Mỹ đã thông. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn với các hãng hàng không Việt Nam, nhất là đội tàu bay, hiệu quả kinh tế...
Ngày 15/2, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chính thức trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng “mở ra” lộ trình bay thẳng tới Mỹ, có thể thực hiện ngay trong năm 2019.
Việc đạt CAT1 không chỉ giúp nâng tầm hàng không Việt mà còn là yếu tố kỹ thuật then chốt để các hãng hàng không trong nước có thể xúc tiến các bước tiếp theo nhằm mở đường bay đến Mỹ. Tuy vậy, tính khả thi về thương mại cùng kỹ thuật, tàu bay cũng là những rào cản khiến đường bay thẳng Việt - Mỹ chưa thể thành hiện thực.
Cuộc “chạy đua” của các hãng hàng không Việt
Theo Cục trưởng Cục HKVN, thị trường hàng không đến Mỹ rất lớn, rất tiềm năng. Vì vậy, các hãng hàng không Việt Nam đều đã có nghiên cứu việc khai thác thị trường này.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã 10 năm nghiên cứu việc mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) chia sẻ: việc Việt Nam được phê duyệt đạt chuẩn CAT1 có thể giúp Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng sang Mỹ ngay trong năm 2019. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020 Vietnam Airlines sẽ tiến hành đánh giá và khả năng sẽ mở đường bay trực tiếp bằng máy bay thân rộng bay đường dài.
“VNA nhận định Hoa Kỳ là một thị trường rất quan trọng. Mặc dù chưa có đường bay thẳng nhưng từ năm 1996 VNA đã hợp tác với các hãng hàng không để nối chuyến, có các sản phẩm phục vụ đường bay. Hiện nay, VNA đang hợp tác với Delta Airlines để có codeshare từ Việt Nam đến các sân bay ở Nhật như Narita, qua châu Âu với Frankfurt đến 15 điểm ở Hoa Kỳ. Lần này, khi có CAT1 của FAA, Delta Airlines đã có thể đăng ký codeshare của họ trên các chuyến bay của VNA. Từ đó, độ bao phủ của sản phẩm codeshare của VNA và Delta Airlines ở thị trường Hoa Kỳ về Việt Nam sẽ được mở rộng rất lớn”, ông Thành nói.
"Chúng tôi cũng hi vọng FAA sẽ phê chuẩn CAT1 ngay trong đầu năm 2019 để Vietnam Airlines đẩy nhanh tiến độ đường bay này", ông Thành nói.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng tiết lộ, nhà chức trách hàng không Mỹ đã làm việc nhiều lần với Vietnam Airlines và hãng đã đạt yêu cầu để bay tới Mỹ.
“Đối với VNA, trong cả quá trình 10 năm vừa rồi, VNA đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, thương mại. Về văn phòng, VNA đã mở văn phòng ở Mỹ từ năm 2001. Bên cạnh đó, đối với VNA, việc mở đường bay Mỹ là trách nhiệm chính trị của Hãng hàng không Quốc gia. Hãng đã tích cực nghiên cứu và chuẩn bị trong nhiều năm nay”, ông Thành chia sẻ.
Là hãng hàng không mới nhất ra nhập thị phần bay ở Việt Nam, “mới nhưng không non”, CEO Tập đoàn FLC (Tập đoàn quản lý Bamboo Airways) Trịnh Văn Quyết tự tin khẳng định và cho biết, Bamboo Airways vừa vượt qua AOC (Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay) khắt khe nhất từ trước đến nay theo tiêu chuẩn của FAA của Mỹ và tiếp tục sắp đạt được chứng chỉ an toàn IOSA trong năm nay. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Bamboo Airways sẽ có đường bay thẳng tới Mỹ trong năm 2020.
“Hãng hàng không Bamboo Airways đã chuẩn bị kế hoạch bay thẳng tới Hoa Kỳ sớm nhất có thể. Từ năm ngoái, Bamboo Airways đã đặt 20 máy bay Boing 787-9 Dreamliners, dòng máy bay thân rộng, phù hợp với bay đường dài và được đánh giá hiện đại nhất của Mỹ và thế giới hiện nay”, ông Quyết nói.
Đường bay thẳng là món hời hay sẽ là “cục nợ” của các hãng
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, thị trường hàng không Mỹ hết sức tiềm năng nhưng khó tính và việc mở đường bay tới Mỹ sớm hay muộn chúng ta phải làm. Các Hãng hàng không Việt Nam nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ đạt được những thành công tại thị trường này.
Ông Thắng đánh giá, việc mở đường bay thẳng Việt-Mỹ (non-stop) trong tương lai gần rất khó khả thi. Vấn đề không phải là rào cản kỹ thuật mà là rào cản kinh tế.
Việc mở đường bay tới Mỹ sẽ có nhiều thách thức đối với các hãng bay của Việt Nam. Thứ nhất, việc đầu tư đội tàu bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém.
Thứ hai, thị trường hàng không là thị trường khốc liệt khi rất nhiều Hãng hàng không của các nước đã thực hiện bay tới Mỹ và cũng có nhiều Hãng hàng không của Mỹ khai thác đường bay từ Mỹ đi các nước. Vì vậy, yếu tố thị trường các hãng hàng không cần phải hết sức quan tâm.
“Thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả”, ông Thắng nhìn nhận.
Thách thức lớn thứ ba mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp vì vậy mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, bài toán đau đầu nhất đối với Vietnam Airlines khi tính toán mở đường bay thẳng đến Mỹ là làm sao cạnh tranh được về giá. Thực ra bài toán này đã được đặt ra cách đây cả chục năm trước.
Theo ông Thành, việc đường bay có khả thi về mặt thương mại hay không phụ thuộc khá nhiều vào vấn đễ kỹ thuật, tàu bay. Hiện nay chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng. Do đó, nếu có phương án bay dừng một điểm thì chi phí, thời gian bay tăng lên rất nhiều và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.
“Hãng cũng đang nỗ lực để có lợi nhuận trên các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ, dặc biệt là đường bay tới Los Angeles”.
Hiện nay và trong thời gian tới, Vietnam Airlines luôn tích cực trao đổi với Boeing, Airbus và các hãng về động cơ tàu bay để xem khi nào có loại máy bay có sự thay đổi về mặt kỹ thuật thích hợp.
“Từ giờ đến thời điểm vấn đề kỹ thuật làm cho thương mại khả thi hơn, kế hoạch trước mắt của Vietnam Airlines là tiếp tục mở rộng nối chuyến codeshare với các hãng hàng không Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, khi chưa có tàu bay trực tiếp mà có đủ tải, nếu như hiệu quả nằm trong phạm vi hệ thống đường bay VNA có thể bù trừ cho nhau thì hãng sẽ tiến hành khai thác”, ông Thành khẳng định.
Đối với Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, đúng ngày Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chính thức trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam (15/2), Bamboo Airways ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty dịch vụ kỹ thuật hàng không Singapore - SIA Engineering (SIAEC) – Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hàng không hàng đầu thế giới, thuộc Singapore. Việc hợp tác nhằm đảm bảo an toàn vận hành cao cho đội máy bay Bamboo Airways, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sử dụng hiệu quả kho vật tư có sẵn của hai bên.
“Với tất cả những sự chuẩn bị đó, chúng tôi tin rằng, Bamboo Airways có thể tự tin với việc khai trương các chặng bay thẳng tới Mỹ. Chúng tôi, đã đang và sẽ triển khai các công tác tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo từ phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên cao cấp để có thể phát triển một đội ngũ nhân sự mạnh sẵn sàng cho không chỉ phục vụ cho các đường bay thẳng tới Mỹ mà còn cả cho các đường bay đi châu Âu, châu Á ngay trong năm nay”, ông Quyết nói.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, hiện tại đơn vị đang nghiên cứu một số điểm đến tại Mỹ như Seattle, Los Angeles, San Francisco…. “Chúng tôi hy vọng có thể mở đường bay tới Mỹ vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Các chuyến bay thẳng đi Mỹ từ các nước như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia đều cần phải được tính toán kỹ cả về máy bay chuyên dụng, nhân sự, giá nhiên liệu…”.
“Khó nhưng không phải không có cơ hội thành công”
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng, việc được FAA công nhận đạt CAT1 là sự khẳng định của cộng đồng hàng không quốc tế đối với khả năng, năng lực của hàng không Việt Nam trong đảm bảo an toàn các hoạt động bay; Đồng thời, tạo sự tin tưởng của hành khách đối với các dịch vụ của các hãng hàng không Việt Nam.
Để có sự kiện này, từ năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu đặt mục tiêu được phê chuẩn Category 1 (CAT1). Tuy nhiên, để đạt được CAT1 là một vấn đề rất khó khăn.
"Đáng nói hơn, nếu Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đánh giá không đạt yêu cầu, uy tín của ngành hàng không, hình ảnh của đất nước sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do đó, chúng tôi xác định đã làm thì phải làm nghiêm túc", ông Thắng nói.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình 16%/năm từ 2010 - 2017, con số rất ấn tượng nếu hãng hàng không trong nước tham gia ở đường bay này.
“Hiện các đường bay đến Mỹ ngả châu Âu hay ngả Đông Bắc Á đều có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn. Giá vé của một số hãng vào giai đoạn thấp điểm chỉ khoảng 300 - 400 USD. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật Mỹ hết sức phức tạp, nên các hãng hàng không Việt Nam cần tìm hiểu kỹ trước khi mở đường bay”, ông Thắng khuyến cáo.
Như vậy, sau nhiều năm, Việt Nam đã chính thức được FAA phê chuẩn CAT1. Đạt được CAT1, Cục HKVN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải transit (quá cảnh) ở nước thứ ba.
Cục trưởng Cục HKVN cho rằng, việc Mỹ trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) là cơ hội tốt cho tất cả các hãng hàng không của nước ta. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, về lâu dài, để khai thác hiệu quả đường bay thẳng tới Mỹ, các hãng hàng không Việt Nam phải đầu tư máy bay có tầm bay xa hơn./.
Phi Long/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận