Dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ‘chùn bước’
Đến ngày 15/7, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con.
Khó khăn chính trong công tác phòng, chống dịch tại các địa phương là nhiều hộ chăn nuôi, trang trại còn lơ là trong áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, trong khi thời tiết hiện đang mùa mưa, nguy cơ lây lan dịch càng lớn... Mặt khác, do số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, nhiều địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tiêu hủy, môi trường và bố trí nguồn kinh phí…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, DTLCP tăng nhanh có nguyên nhân do lơ là trong công tác phòng dịch của người nuôi. Các địa phương phải quyết liệt hơn để các cơ sở chăn nuôi nghiêm túc chấp hành chăn nuôi an toàn sinh học; các cơ sở để dịch bệnh xảy ra do không chấp hành tốt các quy định thì không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Các địa phương cũng cần tập trung các giải pháp giảm đàn; tăng cường công tác quản lý các trại giống, kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ, hạn chế dịch lây lan.
Lực lượng công an phải vào cuộc tích cực hơn nữa để xử lý nghiêm vi phạm về tiếp tay cho dịch lây lan qua việc tiêu thụ, kinh doanh lợn bệnh, lợn chết.
Tại tỉnh An Giang, sau gần 2 tháng xuất hiện, DTLCP vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục lan rộng ở 152 điểm dịch tại 64 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy là hơn 4.000 con, chiếm 3,49% tổng đàn còn lại của toàn tỉnh.
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, để dập dịch, ngoài việc yêu cầu các các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát, khử trùng tiêu độc các phương tiện ra vào ổ dịch, quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt lợn nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh... Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh An Giang ban hành quy định mức hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi lợn có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP, mức hỗ trợ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà để người dân chủ động thông báo với cơ quan chức năng khi lợn có dấu hiệu bị bệnh, hạn chế việc người dân giấu dịch, không khai báo.
Tính đến ngày 15/7, DTLCP lây lan với tốc độ nhanh tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 23 ổ dịch tại 12 xã, phường của 4 địa phương; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 737 con.
Hiện các hộ, trại chăn nuôi lớn nhỏ của địa phương đều phải liên tục tiêu độc, khử trùng trại nuôi; các lò mổ cũng phải phun xịt khử trùng mỗi ngày. Lợn muốn vận chuyển ra, vào xã đều phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính mới được cấp giấy phép.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, cùng với việc phun, xịt khử trùng, hiện các địa phương có dịch cũng tăng cường thành lập các chốt kiểm dịch ngăn người và phương tiện ra vào ổ dịch; sát trùng phương tiện đi qua ổ dịch. Trong thời gian này, chỉ cho phép xuất lợn ra khỏi xã, phường có dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra gia súc xuất, nhập vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.
Đến hết ngày 14/7, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 292 hộ nuôi ở 118 ấp của 53 xã thuộc 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh Sóc Trăng với hơn 8.400 con phải tiêu hủy.
Hiện ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, yêu cầu người chăn nuôi khai báo sớm khi phát hiện lợn bị bệnh chưa rõ nguyên nhân, không giấu dịch, cấm di chuyển lợn giữa vùng có dịch sang địa bàn khác, không tái đàn khi đang có dịch; đồng thời công khai mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch để người dân tự nguyện, tự giác khai báo khi có lợn bị bệnh.
BT (tổng hợp)( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận