Có nên quy định thêm 1 ngày nghỉ để tri ân người có công 27/7?
Ngoài 10 ngày nghỉ chính được quy định trong Luật Lao động hiện hành, Bộ LĐ-TB-XH đang có đề xuất thêm 1 ngày nghỉ (27/7) tri ân người có công
Theo Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH ban hành đầu tháng 3 vừa qua về thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” năm 2019, có nội dung tuyên truyền, lấy ý kiến về việc thêm 1 ngày nghỉ 27/7 tri ân người có công.
Ngày 3/3, Bộ LĐ-TB-XH vừa rút lại nội dung này trong Quyết định số 260. Lý do, sơ suất đưa thông tin bổ sung ngày nghỉ lễ vào trong nội dung triển khai tuyên truyền cho người lao động. Bộ LĐ-TB-XH vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xin ý kiến.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH cho biết: “Đây là đề xuất của ban soạn thảo, hiện mới trong giai đoạn đề xuất, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Theo kế hoạch ban đầu, trong kỳ họp tháng 5 Quốc hội sẽ thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, sau đó sẽ có kế hoạch tuyên truyền nên chúng tôi mới dự kiến như vậy. Nhưng hiện tại, còn nhiều nội dung cần xin ý kiến, nên dự án luật bị chậm tiến độ và không kịp trình vào tháng 5 như dự kiến. Hiện Chính phủ đã xin phép Quốc hội lùi lại trình dự thảo vào kỳ họp sau”.
Thông tin về việc thêm ngày nghỉ sau khi đăng tải trong thời gian ngắn đã thu hút được sự chú ý của dư luận.
Trao đổi với VOV.VN, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH cần xem xét, đánh giá kỹ tác động về mặt kinh tế, xã hội cũng như chính trị khi đề xuất thêm ngày tri ân người có công 27/7.
“Đối với các nước phát triển, điều kiện kinh tế tốt hơn, năng suất lao động cao, thì việc thêm ngày nghỉ cho người lao động là rất tốt. Nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nếu số ngày nghỉ cao hơn sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, tăng các loại chi phí.
Hơn nữa, về mặt chính trị, sau hàng chục năm chiến tranh, chúng ta đang làm mọi thứ để hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng dư âm vẫn còn rất nặng nề. Chọn ngày này sẽ có những ảnh hưởng nhất định”, ông Huân nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) lại ủng hộ việc có thêm một ngày nghỉ. TS Thành cho rằng: “Cuộc sống hiện đại bận rộn, vất vả, cũng có thể thêm 1 ngày nghỉ cho người lao động. Thời điểm này rơi vào đúng mùa hè, nên khá hợp lý cho các gia đình tranh thủ kết hợp với thời gian nghỉ hè của trẻ nhỏ để đi chơi, du lịch”.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, để không bị xáo trộn trong hoạt động sản xuất cũng như kế hoạch công việc, nhất là các hoạt động kinh tế có liên quan đến hợp tác quốc tế, Việt Nam nên xem lại cách quy định ngày nghỉ. “Ví dụ, nếu đề xuất nghỉ ngày 27/7, thì nên quy định nghỉ vào thứ 2 hoặc thứ 6 tuần cuối cùng trong tháng. Đây là cách mà các nước phát triển đang làm. Như vậy người lao động cũng sẽ không cần đi làm bù. Trong khi chúng ta đi làm thứ 7 thì các nước trên thế giới lại nghỉ ngày này, như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến công việc nếu phải làm việc với nước ngoài”, ông Thành chỉ rõ.
Ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành thừa nhận năng suất lao động Việt Nam hiện nay đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào thời gian làm việc, mà chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tổ chức xã hội còn nhiều yếu kém, công nghệ, kỹ thuật và ý thức người lao động chưa tốt. Nếu chưa thay đổi được các yếu tố này thì rất khó tăng năng suất lao động.
“Chúng ta cần làm thế nào để làm ra làm, chơi ra chơi. Những lao động tạo ra được nhiều giá trị, năng suất lao động cao, bản thân họ cũng cần có những thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ở một khía cạnh khác, việc có thêm ngày nghỉ cũng có tác động đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, các dịch vụ...” TS Thành nhấn mạnh
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho rằng hiện nay số ngày nghỉ của Việt Nam đang thấp hơn các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Giờ làm việc chính thức ở Việt Nam khá cao. Vì thế, nếu có điều kiện, cần giảm thời gian làm việc chính thức với người lao động để tái tạo sức lao động.
Song ông Quảng cũng băn khoăn: “Liệu chúng ta chọn ngày 27/7 là ngày để tri ân những người có công có hợp lý? Việc phân bổ ngày nghỉ nào cũng cần phải cân nhắc, ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này”. /.
10 ngày nghỉ trong năm hiện nay
Điều 115 Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:
- Tết dương lịch: Một ngày (ngày 1-1 dương lịch);
- Tết âm lịch: Năm ngày;
- Ngày Chiến thắng: Một ngày (ngày 30-4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế Lao động: Một ngày (ngày 1-5 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh: Một ngày (ngày 2-9 dương lịch);
- Ngày giỗ tổ Hùng Vương: Một ngày (ngày 10-3 âm lịch).
Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền dân tộc và một ngày quốc khánh của nước mình.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận