Có hay không việc chạy theo thành tích đưa các hộ thoát nghèo?
Những mục tiêu được đặt ra trong công tác giảm nghèo khi triển khai ở một số địa phương vô hình trung đã khiến cho việc giảm nghèo không đơn thuần mang tính an sinh xã hội....
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên cả nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5 % năm trở lên. Những mục tiêu được đặt ra trong công tác giảm nghèo khi triển khai ở một số địa phương vô hình trung đã khiến cho việc giảm nghèo không đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn mang tính áp đặt để lấy thành tích. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chịu áp lực phải giảm tỷ lệ hộ nghèo để về đích trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó nảy sinh nhiều bất cập trong bình xét hộ nghèo, có dấu hiệu khiên cưỡng khi đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhiều gia đình thuộc diện quá khó khăn, làm gia tăng tỷ lệ hộ tái nghèo.
Xã Mò Ó, huyện Đắc Krông, tỉnh Quảng Trị-một xã nghèo miền núi còn nhiều khó khăn nhưng lại là 1 trong 8 xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Những tiêu chí đẹp như tranh trong thực tế lại khác xa. Theo chuẩn tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là 36 triệu đồng một năm thì Mò Ó chỉ đạt bằng một nửa là 18 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 của xã là trên 28% và để đạt theo tiêu chí là dưới 5% hộ nghèo thì xã không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Minh Hòa, xã Mò Ó cho biết, chính quyền địa phương cũng đã mệt nhoài vì phải chạy theo mục tiêu bề nổi. Bộ mặt nông thôn khang trang nhưng người dân vẫn đói.
“Vì là xã điểm nên cơ sở hạ tầng rất được quan tâm, bây giờ điện, đường, trường, trạm cơ bản được hoàn thành, tuy nhiên người dân nghèo là vẫn cứ nghèo, trong nhà người dân không có gì hết, hỗ trợ sản xuất cũng rất manh mún nên người dân còn rất khổ. Tôi nghĩ, người dân phải được quan tâm, người dân phải có thu nhập mang tính ổn định, lâu dài, khi đó chúng ta mới tính đến chuyện nông thôn mới được”, ông Hòa chia sẻ.
Đây là thực tế không chỉ của riêng xã Mò Ó mà ở nhiều địa phương khác trong cũng không tránh khỏi. Chính việc rà soát, xác định hộ nghèo chưa thấu tình, đạt lý như trên dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã chỉ ra một hạn chế là kết quả giảm nghèo ở tỉnh chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra ở những hộ vừa thoát nghèo. Trong 3 năm 2016-2018, toàn tỉnh có hơn 5000 hộ nghèo mới phát sinh. Trong số 31 nghìn hộ thoát nghèo có tới 57% mới thoát khỏi ngưỡng nghèo...
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này có một phần do khâu thực thi chính sách của các địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương đều áp chỉ tiêu cho chính quyền cơ sở. Vì vậy mới có thực trạng, một số địa phương chạy theo thành tích; thậm chí có địa phương còn “sáp nhập” hộ nghèo để kết quả giảm nghèo thêm ấn tượng.
Từ thực tế đi giám sát ở cơ sở, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị là rõ có hay không việc chạy theo thành tích: “Theo báo cáo của Chính phủ dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ các thôn xã, huyện thoát nghèo và thoát khỏi tình trạng khó khăn thì đạt mục tiêu. Nhưng có thực trạng chúng tôi đi giám sát địa phương các tỉnh giao chỉ tiêu các huyện đều đạt, mặc dù kêu nguồn lực khó khăn. Đây cũng là vấn đề chạy theo thành tích. Chúng tôi thấy thực tế thoát nghèo đưa về hộ cận nghèo, bằng mọi cách giảm nghèo đạt mục tiêu, cho nên tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên đột biến”.
Cùng với “căn bệnh” thành tích, kết quả rà soát hộ nghèo chưa được phản ánh đúng thực chất theo bộ công cụ đo lường. Sau 5 năm thực hiện, bộ tiêu chí này đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là cách tính toán thang điểm chưa chính xác, chưa tính đến các điều kiện thực tế. Hạn chế lớn nhất của bộ tiêu chí chấm điểm hộ nghèo hiện hành là tạo điều kiện cho không ít hộ tìm cách để trở thành hộ nghèo. Thực tế, không thiếu trường hợp người dân cố tình giấu tài sản, chuyển nhượng hoặc bán đi để giảm điểm; hoặc hộ có khả năng nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản, dẫn đến số điểm chấm đạt thấp và đương nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Ngược lại, số hộ thoát nghèo nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chỉ cần gia đình xảy ra biến cố là sẽ tái nghèo ngay lập tức.
Ông Hồ Xuân Thành, đại diện Tổ chức Liên minh Minh bạch Ngân sách khẳng định, chỉ tiêu giảm nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới khiến nhiều nơi giảm nghèo không thực chất: “Đó là biểu hiện của “bệnh” hình thức, như nhiều người nói là chúng ta đang nặng “phần cứng” mà nhẹ “phần mềm”, nặng về phương tiện mà nhẹ về mục đích. Thực chất phải là con người nông thôn mới chứ không phải con đường nông thôn mới, trụ sở to đẹp, không phải chúng ta coi nhẹ vấn đề giảm nghèo, vấn đề thu nhập. Đó là những vấn đề mà đối với các tiêu chí, khi chúng tôi đi Đắc K rông(Quảng Trị) hay Mai Châu (Hòa Bình), thu nhập hộ nghèo ở những nơi như vậy mà yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 5% thì bất khả thi, trong khi đó, đấy lại là những ưu tiên hàng đầu khi chúng ta thực hiện mục tiêu giảm nghèo”.
Câu chuyện “đói vẫn phải…thoát nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới” không còn là chuyện hiếm ở các địa phương. Không ít địa phương vì thành tích mà “biến” hộ nghèo thành cận nghèo, hộ cận nghèo thành thoát nghèo. Chính áp lực thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cùng “căn bệnh” thành tích đã khiến nhiều nơi, nhiều địa phương giảm nghèo không thực chất. Từ đó làm gia tăng tỷ lệ hộ tái nghèo./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận