Chưa thể yên tâm nếu Hà Nội ngừng giãn cách xã hội vào 23/8 tới
Theo các chuyên gia, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách khi F0 vẫn còn ngoài cộng đồng.
Cùng với thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ từ ngày 18/8. Báo cáo những ngày qua của Sở Y tế Hà Nội cho thấy số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố có dấu hiệu giảm tích cực, số ca mắc mới ghi nhận chủ yếu là các trường hợp đã được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Theo cập nhật mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, sáng 19/8, thành phố ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 mới tại quận Đống Đa (04) và Hà Đông (01). Trước đó, trong ngày 18/8, Hà Nội ghi nhận 51 ca mắc mới, gồm 1 ca tại cộng đồng, 50 ca tại khu cách ly.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.364 ca mắc COVID-19, gồm 1.234 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 1.130 ca là đối tượng đã được cách ly.
Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 bắt đầu từ 6h ngày 24/7 đến ngày 7/8. Sau đó, đến chiều 6/8, UBND TP. Hà Nội chính thức có Công điện về việc tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội đến 6h sáng 23/8. Sau 2 đợt giãn cách kéo dài gần một tháng, diễn biến dịch tại Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể “yên tâm”.
Nói về khả năng kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 23/8 tới, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách. Theo đó, cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.
GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cũng cho rằng hiện còn sớm để nói về việc này. Nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới - thời điểm cách nghỉ lễ 2/9 hơn một tuần, thì với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, kết quả chống dịch sẽ chưa thực sự bền vững khi vẫn còn F0 ngoài cộng đồng.
Hà Nội đã kết thúc tuần cao điểm đầu tiên lấy xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao. Cụ thể, toàn thành phố đã lấy và xét nghiệm trên 300.000 mẫu. Bắt đầu từ ngày 18/8, toàn thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000.
Tính đến 19h ngày 18/8, trên địa bàn thành phố đã lấy được 139.010 mẫu, gồm 6.762 mẫu ở khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ. Trong đó, đã có 500 mẫu của đối tượng nguy cơ cho kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận